0236.3650403 (221)

CÁCH VIẾT MỘT THÔNG ĐIỆP TRUYỀN THÔNG


Thông điệp là thông tin cần truyền đi đã được mã hoá dưới dạng ngôn ngữ nào đó như: hội hoạ, điêu khắc, lời văn, thi ca, nhạc điệu, ánh sáng, biểu tượng...(hội hoạ, âm nhạc, văn học nghệ thuật). Phải tuỳ theo đối tượng nhận tin, phương tiện truyền thông mà lựa chọn ngôn ngữ phù hợp. Nội dung thông điệp phải tuân theo quy tắc AIDA đã nêu ở trên.

Yêu cầu đối với nội dung thông điệp là phải ngắn gọn, lượng thông tin cao, mang tính nghệ thuật, phù hợp với đối tượng nhận tin về tâm lý, thị hiếu, văn hoá, về thời gian và không gian nhận tin. Những yêu cầu này sẽ đảm bảo tính hiệu quả của chương trình truyền thông.

Việc soạn thảo nội dung thông điệp cần phải quyết định 3 vấn đề: chọn nội dung gì? bố cục thông điệp như thế nào, và thể hiện bằng hình thức gì?

1) Nội dung thông điệp:

Có ba loại đề tài mà người truyền tin có thể lựa chọn cho nội dung thông điệp:

·  Các đề tài hợp lý. Đó là lợi ích kinh tế khi khách hàng mua và sử dụng sản phẩm. Ví dụ: Vietel quảng cáo dịch vụ VoIP kết thúc bằng câu "178 mã số tiết kiệm của bạn". Daco quảng cáo kem đánh răng :"Trắng răng, thơm miệng".

·  Các đề tài về cảm xúc. Đó là các cảm xúc sợ hãi, lo lắng, vui buồn, hài hước để gây hiệu quả. Hình ảnh về một cô gái lo sợ khi xe ô tô chết máy ở giữa đường nơi vắng vẻ đã thôi thúc các bậc phụ huynh mua dịch vụ điện thoại di động cho con. Quảng cáo bột ngọt Vedan đưa ra hình ảnh cả nhà quây quần ăn cơm vui vẻ với các món ăn có nêm bột ngọt.

·  Các để tài về đạo đức. Cảnh một con chim đang bay chấp chới không chỗ dừng chân trên cánh rừng bị đốn trơ trụi nhằm kêu gọi lương tri bảo vệ rừng.

2) Bố cục thông tin

Bố cục thông tin phải hợp lý, logíc để nâng cao tính thuyết phục. Có thể có 3 quyết định như sau cần thực hiện:

·  Kết luận dứt khoát về vấn đề hay để dành cho khách hàng tự kết luận?

·  Nên đưa ra luận cứ thuyết phục ngay từ đầu hay sau đó?

·  Chỉ nêu một mặt "nên" hay cả hai "nên" và "không nên" ?

3) Hình thức thông tin

Hình thức trình bày thông tin tốt sẽ nâng cao hiệu quả truyền thông. Do vậy, cần áp dụng nghệ thuật hội hoạ, âm nhạc, kết hợp màu sắc và hình ảnh... để nâng cao tính hấp dẫn của thông tin. Ví dụ, các hình ảnh sống động màu sắc có tác dụng thu hút chú ý hơn là hình ảnh tĩnh.

Trần Nam Trang