CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG TỚI VĂN HÓA ĐỌC CỦA SINH VIÊN
Yếu tố bản thân sinh viên
Cá nhân là chủ thể của hoạt động đọc, đây là yếu tố quyết định đến văn hóa đọc của từng cá nhân và của cả cộng đồng. Yếu tố cá nhân bao gồm có: trình độ học vấn, nhân cách, nghề nghiệp, lứa tuổi, giới tính, sở thích,...
Người đọc có trình độ văn hóa cao sẽ có đời sống tinh thần phong phú, có nhu cầu hiểu biết và nhu cầu thẩm mỹ phát triển, do vậy sẽ chi phối đến nội dung và phương thức thỏa mãn nhu cầu đọc. Nhân cách con người càng phát triển, hoạt động của con người càng phong phú, do vậy, nhu cầu đọc càng cao. Bên cạnh đó, hoạt động nghề nghiệp có ảnh hưởng lớn tới xu hướng của con người, tới hệ thống nhu cầu, trong đó có nhu cầu đọc. Mỗi lứa tuổi có những đặc điểm tâm lý riêng, do vậy cũng có ảnh hưởng tới nội dung và phương pháp thỏa mãn nhu cầu đọc.
Đối với sinh viên, sự tự nhận thức được chứng minh có mối liên hệ đạt mức ý nghĩa thống kê với quyết định đọc sách của sinh viên (McKool, 2007). Sinh viên đọc vì mong muốn khả năng ngôn ngữ, nâng cao thành tích học tập, cập nhật thông tin…(Al-Nafisah & Al-Shorman, 2010).
Khoa học công nghệ
Sự phát triển mạnh mẽ của CNTT và truyền thông đã có tác động sâu sắc đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có hoạt động xuất bản. Việc áp dụng các thành tựu khoa học, công nghệ vào các quá trình thông tin ngày càng gia tăng. Và theo dự báo trong tương lai gần, ở Việt Nam, xuất bản điện tử sẽ là một phương thức cơ bản của hoạt động xuất bản. Ebook và các phần mềm, thiết bị thông minh hỗ trợ đọc phát triển sôi động và lấn át. Xu hướng đọc sách online đang trở thành một trào lưu văn hóa đọc mới trên toàn thế giới.
Công nghệ làm xuất bản phẩm, báo, tạp chí,... chịu sự chi phối sâu sắc của CNTT. Nhờ tác động của khoa học và công nghệ nên hình thức xuất bản phẩm đa dạng hơn, lượng xuất bản phẩm gia tăng nhanh chóng, thị trường sách phát triển mạnh, tuy nhiên, trong số đó tồn tại không ít sản phẩm văn hóa chạy theo lợi nhuận hay thị hiếu tầm thường. Có những thông tin có giá trị cao, đáp ứng được các nhu cầu sống, học tập, làm việc, giúp hoàn thiện nhân cách con người, có những thông tin tiềm ẩn sự nguy hại cho quá trình phát triển nói chung. Sự phát triển của khoa học và công nghệ vừa là cơ hội vừa là thách thức cho sự phát triển văn hóa đọc. Mỗi người phải tự trang bị cho mình đủ bản lĩnh, trình độ và hiểu biết về kiến thức thông tin để đủ khả năng lựa chọn, đánh giá thông tin chính xác.
Giảng viên
Giảng viên đóng vai trò quan trọng trong việc khuyến khích đọc sách ở sinh viên (Hakan,2011). Giảng viên có nhiệm vụ lớn trong việc truyền thói quen đọc sách ở sinh viên. Giảng viên phải là một hình mẫu tốt cho sinh viên của học và phải nâng cao kiến thức của mình thông qua việc đọc (Wanjari & Mahakullar, 2011). Nghiên cứu của McKool (2007) cho thấy giảng viên thúc đẩy đọc sách tự nguyện thông qua việc tìm kiếm và cung cấp kiến thức để tiếp cận tài liệu. Theo Nathanson và cộng sự (2008), giảng viên có ảnh hưởng lớn đối với những người say mê đọc sách, giảng viên tạo ra sự thay đổi người ham đọc sách và người không ham đọc sách bằng cách đề xuất sách để học và chia sẻ niềm đam mê đọc sách.
Với phương pháp dạy học trong hệ thống đào tạo tín chỉ lấy người học làm trung tâm, giảng viên chú trọng vào việc chia sẻ tri thức và chia sẻ cả việc ra quyết định. Phương pháp này yêu cầu sinh viên phải chủ động xây dựng cho mình một kế hoạch học tập thích hợp, phát huy tối đa năng lực tự học, tự nghiên cứu, nâng cao ý thức học tập và kỹ năng làm việc theo nhóm. Chính trong quá trình này, tư duy độc lập, tư duy phê phán, tư duy sáng tạo được nảy nở và phát triển để biến những kiến thức khoa học tích lũy từ nhiều thế hệ của nhân loại thành kiến thức của chính mình. Để đáp ứng yêu cầu đó, đòi hỏi phải phát triển văn hóa đọc chosinh viên.
Hoạt động của thư viện
Thư viện là kho tàng chứa tất cả của cải tinh thần của loài người (G.V.Leibniz), là nơi thông tin được tổ chức, nơi dễ dàng tìm thấy thông tin mà tất cả mọi người cần hoặc muốn. Thư viện bổ sung và cập nhật những kiến thức mới, những phương pháp giảng dạy tiên tiến làm cho việc học tập và giảng dạy thêm sinh động và hấp dẫn. Thư viện chỉ có giá trị khi nó có thông tin và có người biến thông tin trở nên hữu ích hay nói cách khác thư viện là cầu nối giữa thông tin và người sử dụng.
Mỗi loại hình thư viện phục vụ chuyên sâu cho một loại người đọc xác định trong xã hội và có mục đích, yêu cầu, nội dung hoạt động không giống nhau. Tuy nhiên, mục tiêu cuối cùng của hoạt động thư viện là nhằm thu hút số lượng lớn bạn đọc thuộc mọi trình độ khác nhau, mọi thành phần xã hội, mọi lứa tuổi và giúp họ thỏa mãn nhu cầu tin của bản thân. Như vậy, để đáp ứng mục tiêu đó, trước hết thư viện cần nghiên cứu nhu cầu thông tin và đặc điểm của các nhóm người dùng tin khác nhau của một thư viện cụ thể. Từ đó thư viện cần đa dạng hóa, hiện đại hóa các loại hình sản phẩm và dịch vụ thông tin – thư viện, tăng cường hướng dẫn sử dụng thư viện, quảng bá nguồn lực thông tin, vốn tài liệu và dịch vụ thư viện. Việc phát triển dịch vụ thư viện phải được xem là một trong những giải pháp mang ý nghĩa chiến lược trong việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng trong bối cảnh của nước ta hiện nay.
Nguyễn Thị Thảo