CÁC YÊU CẦU KHI HOẠCH ĐỊNH NHU CẦU VẬT LIỆU BẰNG MÁY TÍNH MRP
1.Các yêu cầu cần có để lập mô hình tồn kho của các mặt hàng phụ thuộc trong lĩnh vực sản xuất:
Phương pháp xác định nhu cầu các mặt hàng phụ thuộc trong môi trường sản xuất được gọi là “ Phương pháp hoạch định nhu cầu vật tư”.
Để sử dụng có hiệu quả các mô hình tồn kho phụ thuộc quản trị gia về sản xuất và điều hành cần nắm vững các yêu cầu sau đây:
Yêu cầu 1: Thông thạo và nắm vững lịch tiến độ sản xuất.
Lịch tiến độ sản xuất sẽ khẳng định:
- Những loại sản phẩm gì được chế tạo
- Khi nào thì được chế tạo
Lịch tiến độ sản xuất phải phù hợp với kế hoạch sản xuất. Kế hoạch sản xuất sẽ thiết lập những mục tiêu tổng quát của yếu tố đầu vào:
- Các loại sản phẩm cần sản xuất.
- Tiêu chuẩn thời gian
- Giá trị của từng loại sản phẩm
Kế hoạch sản xuất được xây dựng từ kỹ thuật hoạch định tổng hợp, được xác định dựa vào nhiều nhân tố tác động như:
- Sự biến đổi các yếu tố đầu vào.
- Kế hoạch về khả năng tài chính
- Nhu cầu khách hàng
- Công suất thiết kế
- Nguồn nhân lực
- Sự biến động về tồn kho
Yêu cầu 2: Phải lập hóa đơn vật liệu
a) Muốn lập được các hóa đơn vật liệu trước tiên phải xác định “làm thế nào để tạo ra sản phẩm” hay nói khác hơn là phải hoàn chỉnh bản vẽ thiết kế sản phẩm.
Các sản phẩm thường được cấu tạo bởi nhiều chi tiết bộ phận để xác định đầy đủ chủng loại, số lượng của từng chủng loại người ta thiết lập đơn hàng vật liệu. Trong đơn hàng vật liệu người ta liệt kê sản lượng các bộ phận cấu thành, những chi tiết sản phẩm và các loại vật liệu khác nhau cần thiết để tạo nên từng loại sản phẩm.
- Những loại hàng nào mà cấu trúc của nó đòi hỏi ít nhất từ 2 bộ phận trở lên được họi là hàng gốc.
- Những loại hàng nào cấu tạo nên hàng gốc gọi là hàng phát sinh
b) Cần nắm vững các loại hóa đơn vật liệu:
Thường trong quản trị sản xuất người ta sử dụng 3 loại hóa đơn như sau:
1/ Hóa đơn theo nhóm bộ phận, nhóm chi tiết sản phẩm
Đối với những đơn vị chế tạo nhiều loại sản phẩm nhưng những sản phẩm này có nhiều bộ phận nhiều nhóm chi tiết giống nhau thì người ta không thiết kế đơn hàng hay hóa đơn vật liệu cho từng sản phẩm mà người ta thiết kế hóa đơn vật liệu theo các nhóm chi tiết chủ yếu nhất để chế tạo ra các sản phẩm cuối cùng, đều này sẽ làm giảm khối lượng tính toán rất nhiều và rất thuận lợi trong điều hành sản xuất.
Cách thiết kế như vậy gọi là thiết kế đơn hàng theo nhóm bộ phận hay nhóm chi tiết của sản phẩm.
2/ Hóa đơn theo sản phẩm điển hình:
Người ta phác họa một sản phẩm điển hình, sản phẩm này không có thực nhưng rất cần thiết để lập hóa đơn vật liệu cho những loại hàng phát sinh có liên hệ với hàng gốc điển hình này.
3/ Hóa đơn vật liệu cho loại hàng lắp ráp phụ:
Loại hóa đơn này thường lập cho những chi tiết lắp ráp phụ, các chi tiết này không chỉ tồn tại một cách tức thời và có tính chất cá biệt, thời gian dự trữ chúng gần như bằng không hay nói cách khác người ta không dự trữ chúng.
Giảng viên: Mai Thị Hồng Nhung