CÁC VẤN ĐỀ VỀ CHUỖI CUNG ỨNG (P2)
Một chuỗi cung ứng cũng có thể liên quan tới nhiều giai đoạn. Những giai đoạn của chuỗi cung ứng bao gồm:
- Khách hàng
- Người bán lẻ
- Người bán sỉ/nhà phân phối
- Nhà sản xuất
- Nhà cung cấp nguyên vật liệu
Nhà sản xuất là những người tạo ra sản phẩm, họ có thể là những người tạo ra nguyên vật liệu cung ứng cho những nhà sản xuất khác hoặc những người tạo ra sản phẩm cuối cùng. Những nhà sản xuất có thể là những người tạo ra sản phẩm hữu hình như ti vi, tủ lạnh, xe hơi hoặc là những người tạo ra các dịch vụ vô hình như những dịch vụ tư vấn luật, dịch vụ rửa xe, dịch vụ giáo dục...
Nhà phân phối: Nhà phân phối là những người dự trữ hàng hóa tồn kho từ nhà sản xuất và tham gia vào việc cung ứng hàng hóa cho khách hàng. Nhà phân phối cũng có thể là những nhà bán sỉ, những người thường bán hàng theo khối lượng lớn tới cho một người kinh doanh khác (chưa phải là khách hàng cuối cùng). Nhà phân phối có 3 nhiệm vụ chính. Thứ nhất là lưu trữ tồn kho như một “tấm đệm” để làm cho hàng hóa sản xuất ra đáp ứng được nhu cầu giao động. Thứ hai là tham gia vào việc tìm kiếm khách hàng, phục vụ khách hàng. Thứ ba, nhà phân phối còn tham gia vào hoạt động truyền thông và bán hàng của tổ chức, tham gia vào các tác nghiệp về kho bãi, vận tải cũng như tham gia vào hoạt động hậu mãi. Nhà phân phối có thể mua (sở hữu) hàng tồn kho từ nhà sản xuất rồi bán cho khách hàng hoặc chỉ tham gia vào việc dịch chuyển hàng hóa từ nhà sản xuất tới khách hàng mà không sở hữu hàng hóa. Cho dù trong trường hợp nào thì nhiệm vụ chính của nhà phân phối vẫn là giúp khách hàng có sản phẩm vào đúng lúc và đúng nơi họ cần, làm cho sản phẩm phù hợp với nhu cầu khách hàng
Nhà bán lẻ tồn kho sản phẩm và bán khối lượng nhỏ tới cho khách hàng. Nhà bán lẻ thường theo sát sở thích và nhu cầu của khách hàng. Những tổ chức này có thể sử dụng kết hợp nhiều kĩ thuật như giá, khả năng lựa chọn sản phẩm, dịch vụ và các tiện ích để thu hút khách hàng. Chẳng hạn, các cửa hàng giảm giá có thể thu hút khách hàng bằng giá và khả năng lựa chọn hàng hóa đa dạng. Các cửa hàng chuyên dụng lại thu hút jachs hàng bởi sản phẩm chuyên biệt và mức dịch vụ cao. Cửa hàng thức ăn nhanh thu hút khách hàng bởi sự tiện lợi và giá cả.
Khách hàng có thể là bất kì tổ chức hay cá nhân nào mua sản phẩm. Khách hàng tổ chức có thể mua sản phẩm về kết hợp với sản phẩm khác của họ để bán. Khách hàng cá nhân là những người mua sản phẩm để tiêu thụ.
Mỗi giai đoạn trong chuỗi cung ứng được liên kết với nhau thông qua dòng sản phẩm, thông tin và dòng vốn. Những dòng này thường xuất hiện trong cả hai hướng và có thể được quản trị bởi một giai đoạn của chuỗi hoặc bởi một người trung gian. Một thiết kế thích hợp của chuỗi cung ứng phụ thuộc vào cả nhu cầu của khách hàng và vai trò của họ trong từng giai đoạn của chuỗi.
Trần Nam Trang