CÁC VẤN ĐỀ MỞ RỘNG VỀ HOẠT ĐỘNG KINH DOANH RA TOÀN CẦU (PHẦN 1)
1. Lợi ích của việc mở rộng hoạt động kinh doanh toàn cầu:
Chiến lược quốc tế là một bộ phận trong chiến lược kinh doanh và phát triển của công ty, nó bao gồm các mục tiêu dài hạn mà công ty cần phải đạt được thông qua các hoạt động kinh doanh quốc tế, các chính sách và các giải pháp lớn nhằm đưa hoạt động quốc tế hiện tại của công ty phát triển lên một trạng thái mới cao hơn về chất.
Việc mở rộng toàn cầu cho phép các công ty, bất kể dù lớn hay nhỏ, có thể tăng khả năng sinh lợi của nó theo những cách thức mới không có ở các công ty chỉ hoạt động trong môi trường nội địa. Những lợi ích căn bản mà các công ty hoạt động trên thị trường quốc tế có thể nhận được:
+ Thu được lợi nhuận lớn từ các khả năng gây khác biệt của nó.
+ Công ty thực hiện được tính kinh tế của địa điểm nhờ phân bố các hoạt động của công ty ở những địa điểm trên toàn cầu có hiệu quả nhất.
+ Công ty có thể dịch chuyển nhanh xuống phía dưới của đường cong kinh nghiệm trước các đối thủ cạnh tranh, do đó hạ thấp chi phí của việc tạo giá trị.
a) Sự chuyển dịch các khả năng gây khác biệt:
Các khả năng gây khác biệt hay năng lực cốt lõi là những sức mạnh độc đáo, cho phép công ty đạt được sự vượt trội về hiệu quả, chất lượng, sự cải tiến và đáp ứng khách hàng. Điều này được thể hiện qua việc cung cấp sản phẩm hoặc dịch vụ mà các công ty khác khó có thể bắt chước được.
Các công ty có khả năng gây khác biệt thường giành được thu nhập đáng kể nhờ sử dụng các khả năng này, và các sản phẩm mà họ sản xuất đối với thị trường nước ngoài, nơi mà các đối thủ cạnh tranh bản xứ thiếu các khả năng và sản phẩm tương tự.
Ví dụ: McDonald’s đã bành trướng ra nước ngoài trong những năm gần đây để khai thác các khả năng gây khác biệt trong việc quản trị các hoạt động kinh doanh thức ăn nhanh. Các khả năng này đã chứng tỏ rằng nó có giá trị ở các quốc gia khác nhau như: Pháp Nga, Trung Quốc, Đức, Braxin giống như nó đã thực hiện ở Mỹ. Trước khi McDonald’s thâm nhập, không có nước nào trong số các nước này có dây chuyền thức ăn nhanh, như vây McDonald đã mang đến những nơi đó những kĩ năng và sản phẩm độc đáo. Sự thiếu các đối thủ cạnh tranh bản xứ với những khả năng và sản phẩm tương tự đã làm nổi bật chiến lược của Mc Donald’s, nhờ thế nó có được khả năng sinh lợi cao.
b) Thực hiện tính kinh tế của địa điểm:
Tính kinh tế của địa điểm là lợi ích phát sinh từ việc phân bố các hoạt động tạo giá trị vào vị trí tối ưu cho hoạt động ấy ở bất cứ đâu có thể trên thế giới (các chi phí vận chuyển và các rào cản thương mại cho phép). Tìm được một địa điểm tối ưu cho một hoạt động sáng tạo giá trị có thể có hai hiệu ứng:
+ Hạ thấp chi phí cho việc sáng tạo giá trị và giúp cho công ty đạt được ưu thế chi phí thấp.
+ Cho phép công ty gây khác biệt cho hoạt động cung cấp sản phẩm của nó và có cơ hội đòi hỏi một mức giá tăng thêm.
Như vậy, các nỗ lực nhằm thực hiện tính kinh tế của địa điểm sẽ liên quan đến các chiến lược kinh doanh chung về chi phí thấp và gây khác biệt. Một công ty khám phá ra một cải tiến ở chính quốc, đặc biệt là các nước có nền kinh tế tiên tiến, chẳng hạn như Mỹ. Sau đó, một số nhu cầu sản phẩm có thể phát triển trong các quốc gia khác . Khi nhu cầu về sản phẩm tăng lên ở ngoại quốc, điều này khiến cho các nhà đầu tư mở rộng năng lực sản xuất ra nước ngoài, nhất là khi các đối thủ cạnh tranh nước ngoài cũng muốn tổ chức để đáp ứng nhu cầu khách hàng. Khi sản phẩm trở nên tiêu chuẩn hóa, các công ty muốn hợp lí hóa hoạt động của mình đến các vùng có chi phí chế tạo thấp. Vì vậy, theo Vernon các công ty theo đuổi sự đa dạng hóa quốc tế nhằm mở rộng chu kì sống của sản phẩm.
Khi một công ty thực hiện tính kinh tế của địa điểm bằng việc phân tán các hoạt động tạo giá trị của nó đến vị trí tối ưu để có được lợi thế cạnh tranh so với so với một công ty khác đang đặt toàn bộ các hoạt động sáng tạo giá trị của nó chỉ ở một vị trí. Nghĩa là khi sức ép cạnh tranh cạnh tranh tăng lên thì một chiến lược như vậy sẽ trở thành đòi hỏi bức bách cho sự tồn tại.
Ví dụ:Chiến lược của Boeing trong việc chế tạo các máy bay phản lực thương mại mới, Boeing 777 đã minh họa rõ nét cho tính kinh tế của địa điểm. Máy bay 777 sử sụng 132.500 chi tiết kĩ thuật được sản xuất trên khắp thế giới bởi 545 nhà cung cấp khác nhau. Ví dụ, tám nhà cung cấp Nhật Bản làm các chi tiết như thân máy bay, cửa và cánh. Một nhà cung cấp Singapore làm các cửa ở mũi điều khiển hạ cánh và ba nhà cung cấp là những nhà sản xuất tốt nhất thế giới xét trên cơ sở chi phí và chất lượng của các hoạt động cụ thể. Do đó, những nhà cung cấp nước ngoài cung cấp các sản phẩm đặc biệt tốt cho sản phẩm cuối cùng và tạo lập ưu thế cạnh tranh cho Boeing trên thị trường toàn cầu.
c) Tính kinh tế qui mô và học tập:
Trong một số ngành, công nghệ là động lực toàn cầu hóa, bởi vì tính kinh tế của qui mô cần thiết để giảm chi phí đến mức thấp nhất của việc đâu tư so với việc chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước. Các nhà chế tạo ô tô lớn của Hàn Quốc như Daewoo, Huyndai và Kia đã thấy rõ điều này và họ đã tăng cường các hoạt động của mình ở Mỹ cũng như những nơi khác.
Chúng ta biết rằng đường cong kinh nghiệm thể hiện sự giảm một cách có hệ thống chi phí sản xuất theo chu kì sống của sản phẩm. Hiệu ứng học tập và tính kinh tế theo qui mô là nền tảng của đường cong kinh nghiệm và sự dịch chuyển nhanh xuống phía dưới của đường cong kinh nghiệm cho phép công ty hạ thấp chi phí của sự sáng tạo giá trị. Công ty dịch chuyển xuống dưới đường cong kinh nghiệm nhanh nhất sẽ có lợi thế chi phí so với các đối thủ cạnh tranh của nó. Do đó, dịch chuyển xuống dưới đường cong kinh nghiệm liên quan đến chiến lược kinh doanh của người dẫn đạo chi phí.
Hơn nữa, để đi xuống phía dưới của đường cong kinh nghiệm nhanh chóng, các công ty cần phải định giá và tiếp thị rất tích cực, nhờ thế nhu cầu phát triển một cách nhanh chóng. Họ cũng cần phải tạo lập năng lực sản xuất có thể phục vụ thị trường toàn cầu. Một điểm khác cần phải quan tâm, đó là lợi thế chi phí của việc phục vụ thị trường thế giới từ một vị trí đơn lẻ sẽ rất đáng kể, nếu vị trí này là vị trí tối ưu để thực hiện hoạt động sáng tạo giá trị đó. Do đó, nếu một công ty đồng thời thực hiện tính kinh tế từ hiệu ứng kinh nghiệm và tính kinh tế của vị trí thì nó sẽ có lợi thế rất lớn.
Ví dụ: Matshushita cùng với Sony và Philip, trong những năm 1970 Masushita ở trong cuộc chạy đua để phát triển sản phẩm VCR, làm cho sản phẩm này có thể tồn tại một cách thương mại. Mặc dù, Matsushita khởi sự chậm so với Philip và Sony, cuối cùng nó đã cho dạng VHS của mình được chấp nhận như như những tiêu chuẩn của thế giới và thu được đáng kể tính kinh tế của đường cong kinh nghiệm. Lợi thế chi phí này đã tạo lập một rào cản ghê gớm với các đối thủ cạnh tranh mới. Chiến lược của Matsushita là tạo ra một khối lượng toàn cầu nhanh nhất có thể được. Để đảm bảo rằng nó có thể phục vụ nhu cầu toàn thế giới, nó đã tăng năng lực sản xuất lên 30 lần từ 205000 sản phẩm năm 1977 lên đến 6800000 sản phẩm năm 1984. Bằng việc phục vụ nhu cầu toàn thế giới từ một vị trí ở Nhật Bản, Masushita có khả năng thực hiện hiệu ứng học tập và tính kinh tế của qui mô một cách đáng kể. Những điều này cho phép nó giảm giá xuống con 50% trong vòng 5 năm kể từ khi bán sản phẩm VCR dạng VHS đầu tiên. Kết quả là năm 1983 Matsushita đã trở thành người sản xuất VCR chủ yếu của thế giới, chiếm xấp xỉ 45% sản lượng thế giới và giành được lợi thế chi phí đáng kể so với đối thủ cạnh tranh chính của nó. Công ty lớn tiếp theo là Hitachi chỉ chiếm 11,1% sản lượng thế giói năm 1983.
d) Chiến lược quốc tế cho cấp đơn vị kinh doanh:
Cần nhận thức rằng các cách thức khác nhau để thu lợi từ sự phát triển toàn cầu đều liên quan đến các chiến lược kinh doanh chung về hành động gây khác biệt đến các quốc gia khác đều có mong muốn giành nhiều lợi thế hơn chi phí thấp hay lợi thế gây khác biệt.
Để thực hiện tính kinh tế của địa điểm như Swan optical đã làm, các công ty phải cố hạ thấp chi phí của nó hoặc tăng giá trị tăng thêm, nhờ đó họ mới có thể gây khác biệt với các đối thủ cạnh tranh tốt hơn. Nếu các công ty phục vụ thị trường toàn cầu với mong muốn dịch chuyển nhanh xuống phía dưới của đường cong kinh nghiệm thì họ phải cố gắng tạo lập lợi thế cạnh tranh trên cơ sở chi phí thấp như Masushita đã làm với các sản phẩm VCR dạng VHS.
(Còn tiếp)
ThS. Đặng Thanh Dũng – Khoa QTKD