CÁC PHƯƠNG PHÁP TỔ CHỨC XÂY DỰNG NHÀ MÁY TRONG QUẢN TRỊ DỰ ÁN ĐẦU TƯ
Các công trình, hạng mục công trình cần xây dựng của dự án phải được thể hiện đầy đủ trong hồ sơ bản vẽ thiết kế của dự án. Về cơ bản tập hồ sơ này bao gồm các loại bản vẽ sau:
- Sơ đồ tổ chức bố trí tổng mặt bằng
- Sơ đồ thiết kế từng hạn mục công trình
- Sơ đồ bố trí máy móc, thiết bị
- Các bản vẽ thi công
Nội dung của vấn đề tổ chức thi công cần xem xét bao gồm:
- Nghiên cứu điều kiện tổ chức thi công: Thực chất là xem xét các điều kiện nhằm đảm bảo thuận lợi cho việc thi công như thuận lợi cho việc tập kết nguyên vật liệu, thiết bị xe máy thi công, các điều kiện phục vụ như điện nước, đường sá và các điều kiện hỗ trợ khác.
- Lựa chọn giải pháp thi công: Tùy tính chất phức tạp và quy mô công trình mà có thể lựa chọn một trong các hình thức thi công như tự làm, giao thầu hoặc đấu thầu xây dựng. Điều cần lưu ý là dù lựa chọn hình thức nào thì dự án cũng phải đề cập đến việc giám sát thi công để đảm bảo công trình xây dựng đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng và tiết kiệm chi phí xây dựng.
-Lập trình thực hiện dự án: Lịch trình thực hiện dự án là toàn bộ chương trình ước định thời hạn cần thiết để thực hiện từng hạn mục và toàn bộ các hạng mục của dự án sao cho ăn khớp với nhau trong quá trình thi công nhằm đảm bảo toàn bộ công trình của dự án đi vào hoạt động đúng thời hạn quy định. Để lập lịch trình thực hiện dự án đòi hỏi phải phân tích một cách có hệ thống và có phương pháp. Cụ thể phải liệt kê, sắp xếp và phân tích nhằm xác định:
+ Thời gian cần thiết phải hoàn thành từng hạng mục công trình và cả công trình.
+ Những hạn mục nào phải hoàn thành trước, những hạn mục nào có thể làm song song.
+ Ngày bắt đầu đưa toàn bộ các công trình vào vận hành hoạt động.
Hiện nay có nhiều phương pháp phân tích và lập trình thực hiện dự án, tùy thuộc vào quy mô và sự phức tạp về kỹ thuật xây dựng cũng như kỹ thuật sản xuất của dự án. Thực tế, trong quá trình thực hiện dự án người ta thường hay sử dụng các phương pháp sau đây:
- Phương pháp sơ đồ GANTT: Phương pháp này đơn giản và thông dụng có thể áp dụng cho đa số các dự án. Đó là một biểu đồ bao gồm các vạch ngang có tỷ lệ cho thấy khoảng thời gian cần thiết để thực hiện từng công việc cũng như toàn bộ dự án.
- Phương pháp PERT và CPM (Critical Path Method): Phương pháp này ít thông dụng vì phức tạp, chỉ thích hợp với các dự án lớn. Nội dung cụ thể của cả hai phương pháp này sẽ được trình bày trong chương “Tổ chức thực hiện và kiểm soát dự án” ở phần sau.
ThS Đặng Thanh Dũng – Khoa QTKD