CÁC PHẨM CHẤT CÁ NHÂN CỦA NHÀ LÃNH ĐẠO THEO STOGDILL VÀO NĂM 1948
Nghiên cứu về phẩm chất là những nghiên cứu sớm nhất về lãnh đạo. Trong nửa đầu thế kỷ thứ hai mươi đã có hàng trăm các nghiên cứu xoay quanh vấn đề này. Tiếp cận chủ yếu của các nghiên cứu này xoay quanh việc so sánh để tìm sự khác biệt giữa những người lãnh đạo và những người không phải lãnh đạo về các mặt như: các đặc tính thể chất, tính cách, thái độ, năng lực và động cơ...Một số các nghiên cứu khác so sánh giữa những người lãnh đạo thành công và những người lãnh đạo không thành công hoặc tìm kiếm tương quan giữa các phẩm chất với hiệu quả lãnh đạo. Sự thành công hay hiệu quả lãnh đạo được đo lường bằng việc thực hiện nhiệm vụ của nhóm, sự thăng tiến trong địa vị của người lãnh đạo ( lên chức, tăng lương ).
Có rất nhiều các nhà nghiên cứu đã tổng kết các nghiên cứu khác nhau, song hai lần tổng kết của Stogdill vào năm 1948 và 1974 đã nhận được một sự quan tâm to lớn của các nhà nghiên cứu trên thế giới về lãnh đạo.
Vào năm 1948, Stogdill đã xem xét, đánh giá 124 nghiên cứu về lãnh đạo theo phẩm chất trong thời kỳ 1904 -1948. Nhiều phẩm chất lặp đi lặp lại ở nhiều nghiên cứu khác nhau đã phân biệt người lãnh đạo và những người không phải là lãnh đạo. Những kết quả nghiên cứu này phù hợp với nhận thức về người lãnh đạo là người đạt được địa vị thông qua việc tham gia tích cực và thông qua việc thể hiện những khả năng trong việc thúc đẩy những nổ lực của nhóm trong việc đạt đến những mục tiêu của tổ chức.
Những phẩm chất lặp đi lặp lại ở nhiều nghiên cứu khác nhau có tương quan chặt chẽ với việc thực hiện các vai trò của người lãnh đạo bao gồm:
- Sự thông minh.
- Hiểu biết nhu cầu của người khác.
- Hiểu biết nhiệm vụ.
- Chủ động và kiên trì trong việc giải quyết các vấn đề.
- Tự tin.
- Mong muốn có trách nhiệm.
- Mong muốn nắm giữ vị trí thống trị và kiểm soát.
Rõ ràng các nghiên cứu ở đầu thế kỷ đã chỉ ra rằng có một sự khác biệt giữa những người lãnh đạo và những người không phải lãnh đạo ở một số phẩm chất đã kể trên, song Stogdill thấy rằng tầm quan trọng của một số phẩm chất này là rất khác nhau trong các tình huống khác nhau và tầm quan trọng của các phẩm chất là bị phụ thuộc vào tình huống. Điều này được thể hiện trong một số các nghiên cứu có quan tâm đến việc đo lường các nhân tố tình huống.
Khi nghiên cứu quan hệ của từng phẩm chất riêng rẽ với sự thành công, Stogdill cho rằng từng phẩm chất một có tương quan yếu hoặc không tương quan với sự thành công nhưng một nhóm các phẩm chất thì có tương quan rất chặt chẽ với sự thành công. Như vậy, các nghiên cứu đã thể hiện một sự ủng hộ với những giả định cơ bản của tiếp cận theo phẩm chất là con người phải có được những phẩm chất đặc biệt để có thể trở thành người lãnh đạo thành công.
Mặc dù các phẩm chất thể hiện một sự tương quan với sự thành công song các phẩm chất trên không phải là điều kiện cần và cũng không phải là điều kiện đủ để bảo đảm sự thành công. Có những người lãnh đạo có các phẩm chất trên song họ đã không thành công, nhưng có những người lãnh đạo có ít các phẩm chất trên lại thành công. Một người lãnh đạo với một số những phẩm chất nào đó có thể thành công trong những điều này nhưng lại không thành công trong những điều kiện khác. Hơn nữa, hai người lãnh đạo với những phẩm chất khác nhau nhưng lại thành công trong những điều kiện giống nhau.
LÊ HOÀNG THIÊN TÂN