0236.3650403 (221)

CÁC NHÓM YÊU TỐ CƠ BẢN TRONG MÔ HÌNH GẮN KẾT GIỮA TRƯỜNG ĐH VỚI DN


a)Nhóm yếu tố lợi ích: Đó là sự chia sẻ, gắn kết lợi ích giữa bên đào tạo NNL trình độ cao (trường ĐH) và bên sử dụng NNL trình độ cao (DN) nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội và góp phần tích cực vào sự phát triển của quốc gia, tạo việc làm bền vững, giảm thất nghiệp.

Nội dung cơ bản của nhóm yếu tố lợi ích là:

- Xác định mục đích gắn kết nhằm đạt được lợi ích tối đa của nhà trường ĐH và lợi ích DN một cách hài hoà, cả hai cùng thắng (WIN – WIN).

- Xác lập được DN hoặc nhiều DN đối tác (khách hàng) mục tiêu mà nhà trường ĐH cần hướng đến trong đào tạo ĐH để đem lại lợi ích cho cả 2 bên.

Gắn kết sẽ đem lại lợi ích cho DN do có thể ứng dụng nhiều giải pháp công nghệ, tạo ra nhiều sản phẩm mới, nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả kinh doanh. Xét về phía nhà Trường, gắn kết sẽ tạo điều kiện nâng cao chất lượng đào tạo, tiết kiệm chi phí, đào tạo đội ngũ, nâng cao thương hiêu. Và các lợi ích kinh tế đem lại do ứng dụng tiến bộ khoa học – công nghệ, chế tạo ra sản phẩm mới v.v..cần được chia xẻ, phân phối theo cơ chế hợp lý, đảm bảo sự hợp tác lâu dài, hai bên cùng có lợi..

            b) Nhóm yếu tố quá trình: Đó là các yếu tố liên quan đến thiết kế định dạng (khuôn mẫu) mô hình với những hoạt động gắn kết cụ thể giữa nhà trường ĐH và DN để có thể hành động được nhằm đem lại lợi ích cho nhà trường, DN và xã hội về sản phẩm đào tạo. Sự thành công hay thất bại trong viêc gắn kết giữa trường đại học và DN còn phụ thuộc vào cách thức, phương thức tổ chức hợp tác; cần thể chế cả về chính sách, kế hoạch, tổ chức, lực lượng, phạm vi, tiến độ và thời gian để khắc phục những bàn luận chung chung hay chỉ là các bản ghi nhớ.

Nội dung cơ bản của nhóm yếu tố quá trình là:

-Hình thành khung chiến lược gắn kết giữa trường đai học với doanh nghiệp trong đào tạo ĐH phù hợp với từng giai đoạn và tầm nhìn xa hơn nữa.

- Xác định khung hoạt động của mô hình gắn kết tổng thể hoặc với các hình thức gắn kết cụ thể, riêng lẻ giữa trường ĐH với DN trong đào tạo ĐH phù hợp với khả năng của trường và hướng tới đáp ứng nhu cầu của DN về NNL trình độ cao.

- Xây dựng chính sách và cơ chế gắn kết giữa trường ĐH với DN trong đào tạo ĐH.

- Thiết lập thể chế quản trị mô hình gắn kết giữa trường ĐH với DN trong đào tạo ĐH (quản trị quá trình tổ chức gắn kết; đánh giá kết quả đầu ra; sự phản hồi từ doanh nghiệp…).

            c) Nhóm yếu tố đảm bảo (điều kiện): Đó là các yếu tố tạo môi trường đào tạo gần với môi trường làm việc của DN, chủ yếu liên quan đến các yếu tố đảm bảo chất lượng đầu ra đáp ứng yêu cầu sử dụng NNL được đào tạo.

            Nội dung cơ bản của nhóm yếu tố đảm bảo (điều kiện) là:

-Chất lượng đội ngũ giảng viên, nhất là coi trọng việc giảng viên ĐH đi thực tế tại DN để bổ sung, cập nhật kiến thức, công nghệ, nâng cao kỹ năng nghề, phương pháp giảng dạy (thực tế hoá giảng viên) và sử dụng giảng viên kiêm nhiệm từ thực tế của DN, hoặc trí thức hoá các giảng viên từ DN để sử dụng trong trường ĐH; tăng cường mối tương tác giữa giảng viên và người sử dụng lao động được đào tạo ĐH…

- Thiết kế nội dung, chương trình, xây dựng giáo trình đào tạo đảm bảo chất lượng đầu ra của đào tạo ĐH phù hợp với yêu cầu của DN. Cần đặc biệt chú ý thiết kế các khoá đào tạo chuyên biệt theo yêu cầu của DN đặt hàng hoặc tăng cường sự tham gia của DN đối tác (khách hàng mục tiêu) vào xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo…

- Đầu tư cơ sở hạ tầng đào tạo ĐH đáp ứng yêu cầu của của DN, trước hết là phải đảm bảo cơ sở vật chất có khả năng đào tạo cập nhật kỹ thuật và công nghệ mà DN đang áp dụng; hoặc kết hợp sử dụng cơ sở vật chất của DN phục vụ cho đào tạo;

- Xác định tiêu chí đầu vào và đầu ra của đào tạo ĐH phù hợp với yêu cầu của DN, kiểm định chất lượng đầu ra của đào tạo ĐH. Nguyên tắc ở đây là phải căn cứ vào tiêu chí đầu ra (về kiến thức, kỹ năng, nhân cách) để lựa chọn công nghệ đào tạo và xác định tiêu chí đầu vào phù hợp.

- Hoàn thiên cơ cấu tổ chức quản trị đào tạo theo các mô hình gắn kết được xác định.

- Xây dựng phương án khả thi tạo nguồn tài chính cho thực hiện mô hình theo nguyên tắc tự chủ, có tư cách pháp nhân đầy đủ và tự chịu trách nhiệm.

- Hình thành thiết chế tổ chức dịch vụ đào tạo gắn với nhu cầu của DN (maketing đào tạo, PR thương hiệu nhà trường, thông tin TTLĐ, tư vấn nghề nghiệp, giới thiệu việc làm…).

Nguyễn Thị Hạnh