0236.3650403 (221)

CÁC NGUYÊN TẮC XÂY DỰNG MÔ HÌNH QUẢN LÝ DỰ ÁN (PHẦN 2)


5. Nguyên tắc về mối quan hệ giữa quyền hành và trách nhiệm

            Nguyên tắc này đòi hỏi khi tiến hành công tác tổ chức quản lý trong doanh nghiệp cần phải làm rõ trách nhiệm cũng như các mối quan hệ quyền hành cụ thể cho mỗi cá nhân trong tổ chức đó, tránh tình trạng trách nhiệm và quyền hạn của cá nhân không được xác định rõ ràng dẫn đến việc bố trí và điều hành công việc chồng chéo… gây cản trở cho hoạt động chung của tổ chức.

            Vì vậy, khi tiến hành hoạt động thì tổ chức cần phân định rõ các lĩnh vực phải chịu trách nhiệm cụ thể cho mối cá nhân trên cơ sở đó mà giao phó các quyền hạn cần thiết để cá nhân đó thực hiện các nhiệm vụ của mình sao cho trách nhiệm và quyền hạn là cân đối với nhau. Trong mối quan hệ này thi trách nhiệm đóng vai trò là mục đích còn quyền hạn đóng vai trò là điều kiện để thực hiện các trách nhiệm đó.

6. Nguyên tắc lãnh đạo trực tiếp

            Để đảm bảo hiệu lực của công tác quản lý, đảm bảo sự thống nhất trong điều hành, công tác tổ chức quản lý cần tuân thủ nguyên tắc báo cáo một lãnh đạo trực tiếp. Theo nguyên tác này, cần xác định rõ ràng mối quan hệ tường trình báo cáo cho mỗi cá nhân tại mỗi vị trí công tác cho một cấp trên duy nhất. Cấp trên đó chính là cấp trên trực tiếp ra mệnh lệnh chỉ thị và chị trách nhiệm giám sát hoạt động của họ.

7. Nguyên tắc giám sát và lãnh đạo

            Để đảm bảo cho mục tiêu của doanh nghiệp được thực thi đầy đủ, nghiêm túc và có trách nhiệm tại mọi vị trí công tác trong tổ chức đồng thời sớm phát hiện và khắc phục những lệch lạc, sai sót trong quá trình thực hiện mục tiêu đó. Nguyên tắc này đòi hỏi trong công tác tổ chức quản lý phải đảm bảo thực hiện liên tục và thường xuyên sự giám sát, lãnh đạo theo những tiêu chuẩn và đường lối nhất quán trong tổ chức.

8. Nguyên tắc tầm hạn kiểm soát (tầm hạn quản trị)

            Theo nguyên tắc này thì để đảm bảo cho việc giám sát và lãnh đạo hữu hiệu các nhân viên dưới quyền theo chế độ một thủ trưởng, tầm hạn kiểm soát các thuộc cấp của một người quản lý phải được giới hạn. Để xác định giới hạn này, các nhà quản trị thường dựa vào việc đánh giá trên nhiều phương diện khác nhau, ví dụ như tính chất công việc mà nhân viên tiến hành, tính chất của môi trường công tác, trình độ của các thuộc cấp, trình độ và khả năng của nhà quản trị,…

            Trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản được giới thiệu, các nhà soạn thảo sẽ căn cứ vào điều kiện hoàn cảnh cụ thể của dự án để hình thành nên bộ máy tổ chức quản lý của dự án sao cho hợp lý và hiệu quả.

ThS. Đặng Thanh Dũng – Khoa QTKD