Các nguyên tắc tiền lương
Nguyên tắc cơ bản của tổ chức tiên lương là cơ sở quan trọng nhất để xây dựng được một cơ chế trả lương, quản lý tiền lương và chính sách thu nhập thích hợp trong một thể chế kinh tế nhất định. Ở nước ta, khi xây dựng các chế độ tiền lương và tổ chức trả lương phải theo các nguyên tắc sau đây:
- Nguyên tắc 1: Trả lương ngang nhau cho lao động như nhau
Nguyên tắc này xuất phát từ nguyên tắc phân phối theo lao động. Nguyên tắc này dùng thước đo lao động để đánh giá, so sánh và thực hiện trả lương. Theo nguyên tắc này thì những người lao động khác nhau về tuổi tác, giới tính, trình độ… nhưng có mức hao phí lao động như nhau thì được trả lương như nhau.
Đây là một nguyên tắc rất quan trọng vì nó đảm bảo được tính công bằng và bình đẳng trong trả lương. Điều này sẽ có sức khuyến khích lớn đối với người lao động.
- Nguyên tắc 2: Đảm bảo năng suất lao động tăng nhanh hơn tiền lương bình quân.
Năng suất lao động không ngừng tăng lên, đó là quy luật. Tiền lương của người lao động cũng tăng lên không ngừng do tác động của nhiều nhân tố khách quan. Giữa tăng tiền lương và tăng năng suất lao dộng có liên quan chặt chẽ với nhau.
Trước tiên chúng ta xét các yếu tố, các nguyên nhân trực tiếp làm tăng tiền lương và tiền lương bình quân. Đó là do trình độ tổ chức, quản lý sản xuất ngày càng hiệu quả hơn. Còn đối với tăng năng suất lao động, thì ngoài những yếu tố gắn liền với việc nâng cao trình độ lành nghề, kỹ năng làm việc và trình độ tổ chức quản lý lao động, tăng năng suất lao động còn do các nguyên nhân khác như đổi mới công nghệ sản xuất, nâng cao trình độ trang bị kỹ thuật trong lao động, khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên… Vì vậy ta thấy rõ ràng rằng năng suất lao động có khả năng khách quan tăng nhanh hơn tiền lương bình quân.
Mặt khác khi xem xét các mối quan hệ giữa tốc độ tăng năng suất lao động và tiền lương thực tế, giữa tích luỹ và tiêu dùng trong thu nhập quốc dân ta thấy chúng có liên quan tới tốc độ phát triển của khu vực sản xuất tư liệu sản xuất (khu vực I) và khu vực sản xuất tư liệu tiêu dùng (khu vực II). Quy luật tái sản xuất mở rộng đòi hỏi khu vực I phải nhanh hơn khu vực II. Do vậy tổng sản phẩm xã hội (khu vực I cộng với khu vực II) có tốc độ tăng cao hơn tốc độ tăng cảu tổng sản phẩm của riêng khu vực II. Do đó, tổng sản phẩm xã hội tính theo đầu người (cơ sở của năng suất lao động bình quân) tăng nhanh hơn tốc độ tăng sản phẩm bình quân tính theo đầu người của khu vực II (cơ sở của tiền lương thực tế). Ta cũng thấy rằng, không phải toàn bộ sản phẩm của khu vực II được dùng cho tiêu dùng để nâng cao tiền lương, mà một phần trong đó được dùng để tích luỹ. Điều này cũng chỉ ra rằng, muốn tăng tiền lương thì phải tăng năng suất lao động xã hội với tốc độ cao hơn.
Trong từng doanh nghiệp thì thấy rằng, tăng tiền lương dẫn đến tăng chi phí sản xuất kinh doanh; tăng năng suất lao động lại làm giảm chi phí cho từng đơn vị sản phẩm. Một doanh nghiệp chỉ thực sự kinh doanh có hiệu quả khi chi phí nói chung cũng như chi phí cho một đơn vị sản phẩm giảm đi. Tức là mức giảm chi phí do tăng năng suất lao động phải lớn hơn mức tăng chi phí do tăng tiền lương bình quân.
Rõ rang nguyên tắc này là cần thiết để nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, nâng cao đời sống của người lao động và phát triển kinh tế.
- Nguyên tắc 3: Đảm bảo mối quan hệ hợp lý về tiền lương giữa người lao động làm các nghề khác nhau trong nền kinh tế quốc dân.
Đảm bảo mối quan hệ hợp lý về tiền lương giữa những người lao động làm việc trong các ngành nghề khác nhau nhằm đảm bảo sự công bằng, bình đẳng trong trả lương cho người lao động. Thực sự nguyên tắc này là cần thiết, dựa trên những cơ sở sau đây:
Thứ nhất là trình độ lành nghề bình quân của người lao động ở mỗi ngành: Do đặc điểm và tính chất phức tạp khác nhau về kỹ thuật và công nghệ ở các ngành nghề khác nhau nên trình độ lành nghề bình quân giữa các ngành khác nhau cũng khác nhau. Sự khác biệt này cần thiết phải được phân biệt trong trả lương có như vậy mới khuyến khích được người lao động học tập, rèn luyện nâng cao trình độ lành nghề và kỹ năng làm việc nhất là trong những ngành nghề đòi hỏi kiến thức và tay nghề cao.
Thứ hai là điều kiện lao động: Điều kiện lao động khác nhau có ảnh hưởng đến mức hao phí sức lao động trong quá trình làm việc. Những người làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại, hao tốn nhiều sức lực phải được trả lương cao hơn những người làm việc trong điều kiện bình thường. Sự phân biệt này làm cho tiền lương bình quân trả cho người làm việc ở những nơi, những ngành có điều kiện làm việc khác nhau cũng khác nhau. Để làm tăng tính linh hoạt trong việc trả lương phân biệt theo điều kiện lao động người ta thường thêm các loại phụ cấp về điều kiện lao động để trả cho người lao động ở những công việc có điều kiện làm việc rất khác nhau.
Thứ ba là ý nghĩa kinh tế của mỗi ngành trong nền kinh tế quốc dân: Nền kinh tế bao gồm rất nhiều ngành nghề khác nhau. Trong từng thời kỳ, từng giai đoạn của sự phát triển của mỗi nước, một số ngành được coi là trọng điểm vì có tác dụng rất lớn đến sự phát triển chung của toàn bộ nền kinh tế vì thế các ngành này phải được ưu tiên phát triển. Trong đó dung tiền lương để thu hút và khuyến khích người lao động trong các ngành này có ý nghĩa quan trọng và là một biện pháp đòn bẩy về kinh tế cần phải được thực hiện tốt. Thực hiện sự phân biệt này thường rất đa dạng, có thể trong tiền lương (qua thang bảng lương), cũng có thể dung các loại phụ cấp khuyến khích.
LÊ HOÀNG THIÊN TÂN