0236.3650403 (221)

CÁC NGUYÊN TẮC DỰ BÁO TRONG HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT


1. Nguyên tắc liên hệ biện chứng
Tất cả các hiện tượng kinh tế - xã hội đều có mối quan hệ qua lại, tác động lẫn nhau. Mối
quan hệ giữa chúng có nhiều loại: mối quan hệ bản chất, không bản chất; cố định và tạm thời; trựctiếp hoặc gián tiếp.... Nguyên tắc liên hệ biện chứng tạo ra công cụ, phương pháp luận rất có hiệu quả để giải thích, phân tích đúng đắn và dự báo các hiện tượng kinh tế – xã hội. Áp dụng nguyên tắc này đòi hỏi :
- Phải tính đến các mối quan hệ tồn tại giữa sự phát triển của lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, giữa các ngành, thành phần kinh tế, quan hệ kinh tế,...
- Phải tính đến các mối quan hệ giữa các hiện tượng kinh tế – xã hội với các lĩnh vực khác như chính trị, pháp luật,...
- Phải xem xét mọi vấn đề trong một điều kiện và hoàn cảnh cụ thể, tính đến sự phụ thuộc
lẫn nhau giữa các mặt của vấn đề nghiên cứu.
- Phải có quan điểm hệ thống trong phân tích dự báo.
2. Nguyên tắc kế thừa lịch sử
Nguyên tắc này yêu cầu khi tiến hành dự báo một đối tượng phải nghiên cứu sâu sắc quá
trình vận động của đối tượng đó trong quá khứ và hiện tại, tạo ra cơ sở thực nghiệm để tiên đoán và đánh giá tác động các xu hướng trong tương lai. Chỉ có thể dự báo tương lai mà không rơi vào không tưởng khi chúng ta nghiên cứu kỹ lưỡng quá khứ và hiện tại của đối tượng dự báo.
3. Nguyên tắc tính đặc thù về bản chất của đối tượng dự báo
Nguyên tắc này đòi hỏi nhất thiết phải tính đến những nét đặc thù về bản chất của đối tượng cần dự báo. Xuất phát từ những nét đặc thù này sẽ tạo cho chúng ta những giới hạn nhất định về xu thế phát triển đối tượng kinh tế trong tương lai. Nguyên tắc này càng quan trọng khi sử dụng các phương pháp ngoại suy định lượng trong dự báo, nếu không có giới hạn thì dễ dàng đi đến những kết luận sai lầm trong dự báo.
4. Nguyên tắc mô tả tối ưu đối tượng dự báo
Nguyên tắc này đòi hỏi phải mô tả đối tượng dự báo như thế nào đó nhằm đảm bảo sự xác thực và chính xác cho trước của dự báo với chi phí dự báo thấp nhất. Để thực hiện nguyên tắc này cần phải mô tả đối tượng dự báo với mức độ hình thức hoá tối ưu, kết hợp mô hình hình thức với phương pháp mô tả phi hình thức; lựa chọn một số biến số và tham số tối thiểu, đánh giá tầm quan trọng của biến số; chọn thang đo phù hợp cho mỗi chỉ tiêu nhằm đảm bảo độ chính xác đặt ra với chi phí nhỏ nhất.
5. Nguyên tắc về tính tương tự của đối tượng dự báo
Nguyên tắc này đòi hỏi khi phân tích phải thường xuyên so sánh những tính chất của đối
tượng dự báo với những đối tượng tương tự đã biết và với các mô hình của các đối tượng đó nhằm mục đích sử dụng mô hình sẵn có này phục vụ cho dự báo. Việc quán triệt nguyên tắc này cho phép tiết kiệm chi phí để phân tích, rút ngắn thời gian xây dựng mô hình, mặt khác cho phép kiểm tra kết quả bằng cách so sánh với các kết quả của các đối tượng tương tự trước đó.

LÊ HOÀNG THIÊN TÂN