CÁC NGHIÊN CỨU THỰC NGHIỆM CÁC YẾU TỐ THU HÚT DÒNG VỐN FDI
Nhiều nghiên cứu thực nghiệm đã được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu để xác định các yếu tố ảnh hưởng đến FDI. Tuy nhiên, các biến được xác định là yếu tố quyết định FDI có sự khác nhau giữa các nghiên cứu và các quốc gia. Vì vậy, rất khó để thống nhất các yếu tố quyết định FDI, đặc biệt là một số biến giải thích đã đạt được nhưng bị giảm tầm quan trọng theo thời gian. Các nghiên cứu đã cố gắng trả lời câu hỏi tại sao một vài quốc gia thu hút nhiều FDI hơn các quốc gia khác.
Các nghiên cứu này có thể được chia thành hai hướng: khảo sát từ nhà đầu tư và nghiên cứu định lượng.
Thứ nhất, liên quan đến các khảo sát các nhà đầu tư. Năm 1988, Ngân hàng thế giới tiến hành khảo sát 173 công ty đa quốc gia Nhật Bản ở Châu Á. Kết quả chỉ ra là quy mô thị trường, chi phí lao động, trình độ học vấn của người lao động và việc chuyển lợi nhuận về nước là những nhân tố thu hút đầu tư quan trọng nhất đối với các công ty đa quốc gia Nhật Bản ở Châu Á. Tương tự, A.T. Kearney, một doanh nghiệp tư vấn quản trị toàn cầu, tiến hành khảo sát các nhà đầu tư nước ngoài năm 2011. Người được phỏng vấn bao gồm các nhà quản trị cấp cao của các doanh nghiệp hàng đầu thế giới. Khảo sát chỉ ra 1/4 những người được phỏng vấn đang gia tăng đầu tư vào các thị trường mới nổi. Theo những người được phỏng vấn, quy mô và tăng trưởng của thị trường người tiêu dùng, nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao, nhu cầu đa dạng hóa để cải thiện khả năng đáp ứng của chuỗi cung ứng và các lý do về chi phí là những nhân tố quan trọng nhất tác động đến quyết định đầu tư.
Thứ hai, nghiên cứu định lượng. Mặc dù không có sự đồng thuận về các yếu tố quyết định FDI. Tuy nhiên, quy mô thị trường là yếu tố tác động dương, mạnh nhất đối với FDI. Các nghiên cứu phát hiện quy mô thị trường tác động có ý nghĩa đến FDI như Shatz et al. (2000), Fung et al.(2000), Hasen et al. (2006) và Mottaleb et al. (2010).
Hầu hết các nghiên cứu không có sự đồng thuận về các yếu tố quyết định FDI. Nói chung các yếu tố này có thể được phân loại theo: (i) lợi thế so sánh; (ii) chính sách kinh tế vĩ mô; (iii) các thể chế và (iv) thừa hưởng lợi ích.
Feestra và Hanson (1997), Dees (1998) phát hiện chi phí lao động thấp là yếu tố có ý nghĩa để thu hút FDI trong khi Mody et al. (1998) và Fung et al. (2000) phát hiện chi phí lao động trung bình là yếu tố không có ý nghĩa của FDI. Mặt khác, Noorbakhsh et al. (2001), Mody et al. (1998) và Fung et al. (2000) phát hiện lao động có kỹ năng là yếu tố có ý nghĩa của FDI. Trái lại, Kinoshita và Campos (2003) phát hiện mức độ giáo dục là yếu tố không ý nghĩa của FDI. Tương tự, bằng chứng về vai trò của nguồn tài nguyên trong việc thu hút FDI cũng cho kết quả hỗn hợp. Trong khi Asiedu (2006) sử dụng bảng 22 quốc gia Châu Phi phát hiện tài nguyên thiên nhiên thúc đẩy FDI. Basu và Srinivasan (2002) phát hiện các quốc gia Châu Phi thu hút FDI không vì tài nguyên thiên nhiên mà thông qua việc cải tiến rộng rãi môi trường kinh doanh.
Liên quan đến bằng chứng thực nghiệm về chính sách kinh tế vĩ mô và cải cách. Schneider và Frey (1985) phát hiện lạm phát và thâm hụt cán cân thanh toán cao tác động nghịch chiều đến FDI. Tương tự Apergis và Katrakilidis (1998) phát hiện lạm phát và sự khó đoán của lạm phát tác động âm lên FDI. Hasen và Gianluigi (2009) cũng phát hiện việc đo lường sai lầm của chính phủ thông qua lạm phát và thâm hụt tài khóa cao không khuyến khích FDI đối với các quốc gia Liên đoàn Arab. Asiedu (2002), Yartey và Adjasi (2007) phát hiện tác động có ý nghĩa âm của lạm phát lên dòng FDI. Tương phản rõ rệt với các nghiên cứu đề cập trước, Alfaro et al. (2009) chỉ ra mức độ gia tăng lạm phát trong nước làm tăng đầu tư nước ngoài thông qua sự thay đổi trong cách tiêu dùng qua thời gian.
Bằng chứng thực nghiệm về vai trò của tự do hóa thương mại trong việc cải thiện FDI cũng là hỗn hợp. Lecraw (1991), Singh và Jun (1996), Dees (1998), Asiedu (2002), Onyeiwu và Shrestha (2004), Ang (2008), Hasen và Gianluigi (2009) và Mottaleb, Kalirajan (2010) phát hiện tác động cùng chiều của độ mở thương mại lên FDI trong khi Wheeler và Mody (1992), Brainard (1997) phát hiện các dòng FDI có tương quan dương với các hạn chế thương mại.
Vai trò của thể chế trong thu hút dòng vốn FDI cũng là nhân tố khác trong nghiên cứu về chủ đề này. Bằng chứng thực nghiệm về yếu tố này thực sự lại là hỗn hợp bởi vì các đo lường khác nhau được dùng cho độ mạnh của các thể chế. Sự phát triển của các thể chế tài chính được phát hiện là thúc đẩy FDI (Kinoshita et al., 2003; Alfaro et al., 2008; Ang, 2008; Lee và Chang, 2009; Al Nasser và Gomez, 2009). Chỉ số kinh doanh quốc tế phát hiện là nhân tố không có ý nghĩa đối với FDI của Hoa Kỳ (Wheeler và Mody, 1992). Chỉ số rủi ro về môi trường kinh doanh bao gồm ổn định chính trị, thái độ đối với nhà đầu tư nước ngoài, tính hiệu lực của hợp đồng, tăng trưởng kinh tế, hiệu quả của cán cân thanh toán và khả năng hoán đổi đồng nội tệ, các chỉ số này có ý nghĩa dương quyết định FDI trong một vài mô hình (Singh và Jun, 1996).
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là sự tích lũy (vốn, công nghệ, trình độ nhân lực) cũng được phát hiện là một trong những yếu tố quan trọng thu hút dòng vốn FDI. Chẳng hạn, Wheeler và Mody (1992) phát hiện tác động có ý nghĩa cao của sự tích lũy lên dòng FDI của Hoa Kỳ. Tương tự, Loree và Guisinger (1995), Barry và Bradley (1997), Morgan (1998), Fung et al. (2000) và Kinoshita và Campos (2003) cũng phát hiện tác động dương của sự tích lũy vốn lên FDI.
Những nghiên cứu thực nghiệm gần đây về các yếu tố tác động đến FDI, phải kể đến Jiang (2004) kiểm tra mối quan hệ nhân quả giữa dòng vốn FDI và tăng trưởng kinh tế ở Trung quốc bằng cách sử dụng dữ liệu hàng năm giai đoạn 1983-2001. Kết quả cho thấy mối quan hệ một chiều từ tăng trưởng kinh tế lên dòng vốn FDI. Nunnenkamp và Spatz (2004) đi đến cùng kết luận.
Ab Quyoom Khachoo và Mohd Imran Khan (2012) kiểm tra yếu tố quyết định FDI vào các nước đang phát triển, dựa trên mẫu dạng bảng của 32 nước đang phát triển giai đoạn 1982-2008, bằng phương pháp FMOLS cho thấy dòng vốn FDI phụ thuộc vào một tập hợp gồm: quy mô thị trường, tổng trữ lượng, cơ sở hạ tầng, chi phí lao động và mức độ cởi mở của nền kinh tế.
Fayyaz Hussain và Constance Kabibi Kimuli (2012) sử dụng dữ liệu bảng điều khiển vĩ mô của 57 nước có thu nhập thấp và trung bình thấp giai đoạn 2000-2009 với ước lượng FE, phát hiện quy mô thị trường là yếu tố quyết định quan trọng nhất của FDI ở các nước đang phát triển. Ngoài ra, môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, hội nhập toàn cầu, sẵn có của lực lượng lao động có tay nghề và phát triển khu vực tài chính cũng thúc đẩy FDI ở các nước đang phát triển. Yiyang Liu (2012) khẳng định quy mô thị trường, cơ sở hạ tầng có tác động đến dòng vốn FDI ở Trung Quốc, nhưng mức độ và ý nghĩa thống kê có sự khác biệt giữa các vùng.
LÊ HOÀNG THIÊN TÂN