Các mục tiêu cơ bản của quản trị tài chính doanh nghiệp
CÁC MỤC TIÊU CƠ BẢN CỦA QUẢN TRỊ TÀI CHÍNH DOANH NGHIỆP
Tối đa hóa giá trị cho những người chủ sở hữu của công ty là mục tiêu cơ bản nhất của công tác quản trị tài chính. Với mỗi cổ đông hay người chủ sở hữu của doanh nghiệp, giá trị này thể hiện trong giá trị của tổng số cổ phần mà họ nắm giữ. Giá trị của mỗi cổ phần được xác định bằng giá trị thị trường của doanh nghiệp sau khi trừ đi các khoản nợ, sau đó đem chia cho tổng số cổ phiếu hiện có của công ty. Mục tiêu này được xác định bằng các chỉ tiêu cụ thể sau:
- Tối đa hóa chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế:
Lợi nhuận sau thuế là chỉ tiêu quan trọng để đánh giá việc công ty kinh doanh có lãi hay không, việc tối đa giá trị doanh nghiệp chịu ảnh hưởng lớn từ chỉ tiêu này. Tuy nhiên, nếu chỉ có mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận sau thuế thì chưa hẳn đánh giá được giá trị của cổ đông doanh nghiệp, chỉ tiêu này không nói lên được doanh nghiệp phải bỏ ra những gì để có được lợi nhuận cực đại. Trong trường hợp doanh nghiệp phát hành cổ phiếu nhằm tăng thêm vốn góp rồi dùng số tiền huy động được để đầu tư vào trái phiếu thu lợi nhuận, lợi nhuận sẽ gia tăng tuy nhiên lợi nhuận trên vốn cổ phần giảm vì số lượng cổ phần phát hành tăng. Do đó, cần bổ sung thêm chỉ tiêu tối đa hóa lợi nhuận trên vốn cổ phần.
- Tối đa hóa lợi nhuận trên vốn cổ phần
Vốn điều lệ của công ty cổ phần được chia thành nhiều phần bằng nhau được gọi là cổ phần. Người sở hữu cổ phần gọi là cổ đông. Cổ đông có thể là cá nhân hoặc tổ chức. Của cải các cổ đông sẽ tạo nên giá trị của công ty vì cổ đông chính là những người chủ, góp vốn để công ty hoạt động.
Chỉ tiêu tối đa hóa lợi nhuận trên cổ phần (EPS) có thể bổ sung cho những hạn chế của chỉ tiêu tối đa hóa lợi nhuận sau thuế. Tuy nhiên chỉ tiêu này vẫn cồn có những hạn chế của nó: Tối đa hóa EPS không xét đến yếu tố thời giá tiền tệ và độ dài của lợi nhuận kỳ vọng; tối đa hóa EPS cũng chưa xét đến yếu tố rủi ro; tối đa hóa EPS không cho phép sử dụng chính sách cổ tức để tác động đến giá trị cổ phiếu trên thị trường. Vì vậy tối đa hóa thị giá cổ phiếu được xem như là mục tiêu thích hợp nhất của công ty vì nó chú ý kết hợp nhiều yếu tố như độ dài thời gian, rủi ro, chính sách cổ tức và những yếu tố khác có ảnh hưởng đến giá cổ phiếu.
Giám đốc là người điều hành công ty cần biết rõ mục tiêu của chủ sở hữu là gia tăng giá trị tài sản của họ và điều này thể hiện qua giá cả cổ phiếu trên thị trường. Nếu cổ đông không hài lòng với hoạt động của công ty và giám đốc thì họ sẽ bán cổ phiếu và rút vốn đầu tư vào nơi khác, điều này đòi hỏi giám đốc công ty phải tập trung vào việc tạo ra giá trị cho cổ đông tức là tối đa hóa thị giá cổ phiếu.
- Trách nhiệm xã hội
Bên cạnh tối đa hóa giá trị cổ đông, các nhà quản trị còn phải có các trách nhiệm xã hội như bảo vệ người tiêu dùng, sản xuất sản phẩm đảm bảo chất lượng, trả lương công bằng cho cán bộ công nhân viên, duy trì chính sách thuế trung thực và điều kiện làm việc an toàn, hỗ trợ giáo dục và quan tâm đến các vấn đề môi trường. Bên cạnh lợi ích cổ đông, các nhà quản trị tài chính còn phải tính đến lợi ích của tất cả các bên liên quan bao gồm: chủ nợ, nhân viên, khách hàng, nhà cung cấp, cộng đồng nơi công ty hoạt động. Công ty chỉ có thể đạt được mục tiêu cuối cùng là tối đa hóa giá trị cổ đông khi họ quan tâm đến lợi ích chính đáng của các bên liên quan.
Nguyễn Thị Tiến- Khoa QTKD