CÁC LOẠI QUÁ TRÌNH SẢN XUẤT TRONG SẢN XUẤT CHẾ TẠO CĂN CỨ VÀO TÍNH LIÊN TỤC CỦA QUÁ TRÌNH SẢN XUẤT
Có thể chia quá trình sản xuất của doanh nghiệp thành những loại hình khác nhau dựa theo tiêu thức khác nhau như số lượng và đặc điểm của sản phẩm sản xuất kết cấu của sản phẩm tính chất của quá trình sản xuất hoặc khả năng tự chủ trong sản xuất doanh nghiệp.
a. Căn cứ vào khả năng liên tục sản xuất sản phẩm của quá trình:
Theo tiêu chí này, quá trình sản xuất chia thành quá trình sản xuất lien tục, quá trình sản xuất gián đoạn vào dự án sản xuất.
Quá trình sản xuất liên tục:
Đây là quá trình có khối lượng sản xuất lớn, chủng loại ít mang tính chuyên môn hóa sản phẩm cao. Máy móc, thiết bị được bố trí theo dây chuyển, sản phẩm di chuyển trong doanh nghiệp hoặc phân xưởng thành các dòng liên tục, sử dụng máy móc thiết bị chuyên dùng, lao động chuyên môn hóa cao. Quá trình sản xuất liên tục có năng suất lao động cao, chi phí sản xuất trên đơn vị sản xuất thấp, khả năng tự động hóa sản xuất cao, ít phải chỉ dẫn công việc, quá trình điều hành sản xuất đơn giản, dễ kiểm soát chất lượng và kiểm soát hàng dự trữ. Do những đặc điểm trên nên quá trình sản xuất này được ưa chuộng và phát triển rất phổ biến trong những năm trước đây. Tuy nhiên quá trình sản xuất liên tục có tính linh hoạt kém, khó thích ứng với sự thay đổi của tình hình trên thị trường. Hơn nữa sự ách tắc của một khâu trong quá trình sẽ làm dừng hoạt động của toàn bộ hệ thống sản xuất.
Để quá trình sản xuất liên tục có hiệu quả, một trong những yêu cầu cơ bản là cần phải đảm bảo sự cân đối năng lực sản xuất giữa các bộ phận, các công đoạn trong dây chuyền sản xuất. Nó đòi hỏi phải thực hiện tốt công tác thiết kế hệ thống sản xuất và kế hoạch hóa nhằm làm cho dây chuyền sản xuất hoạt động nhịp nhàng, thông suốt. Đặc biệt cần chú trọng xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện các kế hoạch bảo dưỡng, dự phòng máy móc thiết bị.
Quá trình sản xuất gián đoạn:
Ngược lại với quá trình sản xuất liên tục, quá trình sản xuất gián đoạn có khối lượng sản phẩm sản xuất nhỏ, thậm chí đơn chiếc, chủng loại sản phẩm nhiều, đa dạng, nơi làm việc thực hiện nhiều bước công việc khác nhau, máy móc, thiết bị đa năng. Quá trình sản xuất gián đoạn có thể chia thành:
- Quá trính sản xuất theo loạt: loại sản xuất có thể lớn hoặc nhỏ tùy thuộc vào đơn đặt hàng và những điều kiện cụ thể trong thực tiễn của doanh nghiệp. Mỗi lần thay đổi loạt sản xuất làm cho quy trình sản xuất ngắt quãng và tiêu hao một khoảng thời gian nhất định cho khẩu chuyển đổi mặt hàng sản xuất. Ví dụ điển hình cho quá trình sản xuất này là đóng đồ hộp hoa quả.
- Cửa hàng công việc: Đây là loại hình của quá trình sản xuất gián đoạn với đặc điểm cơ bản là tính chất sản phẩm và dịch vụ đa dạng, thường xuyên thay đổi đòi hỏi phải có phương pháp tổ chức điều hành thích hợp. Các xưởng sữa chữa ô tô, xe máy, là những ví dụ cụ thể về loại cửa hàng công việc.
Hệ thống sản xuất dựa trên loại quá trình sản xuất này khá linh hoạt, có khả năng thích ứng cao , đáp ứng kịp thời những đơn đặt hàng thường xuyên. Tuy nhiên việc điều hành quá trình này tương đối phức tạp, khó kiểm soát chất lượng và rất khó cân bằng nhiệm vụ sản xuất, chi phí sản xuất trên một đơn vị sản phẩm cao.
- Sản xuất theo dự án:
Dự án sản xuất là một tập hợp các công việc trong một thể thống nhất bị giới hạn về tài chính, thời gian thực hiện, nhằm vào những mục tiêu nhất định. Nhiệm vụ của tổ chức sản xuất theo dự án là đảm bảo thực hiện được mục tiêu trong giới hạn chặt chẽ về tài chính, tiến độ, thời gian hoàn thành, và chất lượng. Thực chất dự án sản xuất cũng là một dạng quá trình sản xuất gián đoạn. Đây là loại hình sản xuất sản phẩm mang tính đơn chiếc, quá trình sản xuất không lặp lại, không ổn định cả về thời gian và không gian, cơ cấu tổ chức sản xuất bị xáo trộn. Đặc biệt loại hình này đòi hỏi tính linh hoạt cao trong tổ chức sản xuất. Nó cũng đòi hỏi cán bộ điều hành dự án có những phẩm chất khác so với quả trị điều hành trong phân xưởng sản xuất bình thường.
Giảng viên: Mai Thị Hồng Nhung