CÁC GIẢI PHÁP TÀI CHÍNH CHO DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA VIỆT NAM
I. Doanh nghiệp nhỏ và vừa
Doanh nghiệp nhỏ và vừa là cơ sở kinh doanh đã đăng ký kinh doanh theo quy định pháp luật, được chia thành ba cấp: siêu nhỏ, nhỏ, vừa theo quy mô tổng nguồn vốn (tổng nguồn vốn tương đương tổng tài sản được xác định trong bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp) hoặc số lao động bình quân năm (tổng nguồn vốn là tiêu chí ưu tiên).
DNNVV có vốn đầu tư ban đầu ít nên chu kỳ SXKD của doanh nghiệp thường ngắn dẫn đến khả năng thu hồi vốn nhanh tạo điều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả.
- DNNVV tồn tại và phát triển ở hầu hết các lĩnh vực, các thành phần kinh tế: các DNNVV hoạt động trên tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế: thương mại, dịch vụ, công nghiệp, xây dựng, nông lâm ngư nghiệp... và hoạt động dưới mọi hình thức như: Doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. và các cơ sở kinh tế cá thể
- DNNVV có tính năng động cao trước những thay đổi của thị trường, các DNNVV có khả năng chuyển hướng kinh doanh và chuyển hướng mặt hàng nhanh. Mặt khác, do DNNVV tồn tại ở mọi thành phần kinh tế. Sản phẩm của các DNNVV đa dạng phong phú nhưng số lượng không lớn nên chỉ cần không thích ứng được với nhu cầu của thị trường, với loại hình kinh tế - xã hội này thì nó sẽ dễ dàng hơn các doanh nghiệp có quy mô vốn lớn trong việc chuyển hướng sang loại hình khác cho phù hợp.
- Năng lực kinh doanh còn hạn chế. Do quy mô vốn nhỏ nên các DNNVV không có điều kiện đầu tư quá nhiều vào nâng cấp, đổi mới máy móc, mua sắm thiết bị công nghệ tiên tiến, hiện đại. Việc sử dụng các công nghệ lạc hậu dẫn đến chất lượng sản phẩm không cao, tính cạnh tranh trên thị trường kém. DNNVV cũng gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm, thâm nhập thị trường và phân phối sản phẩm do thiếu thông tin về thị trường, công tác marketing còn kém hiệu quả. Điều đó làm cho các mặt hàng của DNNVV khó tiêu thụ trên thị trường.
- Năng lực quản lý còn thấp: Đây là loại hình kinh tế còn non trẻ nên trình độ, kỹ năng của nhà lãnh đạo doanh nghiệp cũng như của người lao động còn hạn chế. Số lượng DNNVV có chủ doanh nghiệp, giám đốc giỏi, trình độ chuyên môn cao và năng lực quản lý tốt chưa nhiều. Một bộ phận lớn chủ doanh nghiệp và giám đốc doanh nghiệp tư nhân chưa được đào tạo bài bản về kinh doanh và quản lý, còn thiếu kiến thức kinh tế-xã hội và kỹ năng quản trị kinh doanh. Mặt khác, DNNVV ít có khả năng thu hút được những nhà quản lý và lao động có trình độ, tay nghề cao do khó có thể trả lương cao và có các chính sách đãi ngộ hấp dẫn để thu hút và giữ chân những nhà quản lý cũng như những người lao động giỏi.
II. Các giải pháp tài chính cho DNNVV Việt Nam hiện nay.
- Cân đối tài khoản
Bước đầu tiên và quan trọng nhất đối với DN là bảo đảm sắp xếp hợp lý các tài khoản. Các DN nhỏ cần lưu giữ đầy đủ các chứng từ kế toán của mọi giao dịch. Chứng từ chính xác sẽ cho biết DN kinh doanh có hiệu quả không và là cơ sở để tính toán lợi nhuận đóng thuế.
Lưu giữ chính xác chứng từ không chỉ là một phương án tốt và một kinh nghiệm tối ưu, mà còn là một công cụ để kiểm soát DN, cho phép tiết kiệm chi phí, tránh trường hợp bị phạt do thanh toán chậm hay nảy sinh xung đột.
- Xác định tầm quan trọng của thuế
Khi mới mở DN hay DN đang hoạt động, chủ DN cần có những kiến thức cơ bản về thuế. Chuyên gia về thuế sẽ hỗ trợ vấn đề này. Nếu gặp khó khăn về khai báo lợi tức đóng thuế hay các vấn đề thuế thì nên gặp kiểm toán công chứng. DN cần đóng thuế đúng hạn và phải dành riêng một tỷ lệ quy định để trang trải nợ thuế DN. Nếu có khó khăn trong đóng thuế, hãy liên lạc với chi cục thuế địa phương. Một nguyên tắc vàng là thông báo thường xuyên cho cơ quan thuế về những vấn đề gặp phải.
- Biết dự tính trước
DN nhỏ và vừa lên ngân sách và có dự báo đúng thì có thể lường được hầu hết những vấn đề về tài chính và khắc phục kịp thời. Một nỗi lo thường trực của DN nhỏ là thanh khoản sẽ cạn dần và các ngân hàng sẽ phong tỏa tín dụng. Vì vậy, mối quan hệ giữa chủ DN nhỏ và ngân hàng là rất quan trọng. Nếu gặp rắc rối trong thanh toán, hãy giải thích vì sao và cho ngân hàng biết khi nào sẽ thanh toán. Đừng tìm cách phớt lờ các khoản nợ, vì như vậy nợ nần sẽ tăng dần và làm tổn hại quan hệ với ngân hàng.
- Duy trì quyền kiểm soát
Duy trì kiểm soát tín dụng là vấn đề rất quan trọng đối với DN nhỏ, nhất là những DN có tiềm lực tài chính hạn chế. Vì không thể thanh toán số tiền khách hàng còn nợ mà nhiều DN nhỏ có lãi đã buộc phải ngừng giao dịch. Có nhiều cách để tránh tình trạng này. Nếu khách hàng sắp giải thể hay tìm cách trì hoãn thanh toán thì cần cân nhắc kỹ xem có nên gia hạn tín dụng cho họ không. Nếu không chắc chắn, hãy kiểm tra lại thông tin tham khảo và hạng mức tín dụng.
Đánh giá từng khách hàng một cũng là một cách làm hiệu quả. Hãy quyết định giới hạn tín dụng trên đối với các khách hàng vì đây là khoản tiền có thể chấp nhận rủi ro và lấy đó làm căn cứ. Khi đã quyết định hạn mức và đã cấp hàng, cần bàn giao hàng và kiểm tra hàng hóa, sau đó gửi hóa đơn ngay.
- Theo dõi Chứng từ và nhắc nhở
Chỉ cần duy trì được chứng từ rõ ràng, gọn gàng theo thứ tự ngày, tháng cũng đã mang lại hiệu quả trông thấy. Dù công việc này có nhàm chán đến mức nào đi nữa thì những nhà quản lý nhỏ cũng phải dành thời gian hằng tuần để sắp xếp lại chứng từ và theo dõi những hóa đơn còn tồn đọng. Hãy bắt đầu từ những khoản nợ lớn và muộn nhất. Những khoản nợ lớn rất quan trọng vì việc thanh toán những khoản này sẽ luôn có tác động tích cực đối với luân chuyển tiền. Cũng phải luôn theo sát những khoản thanh toán chậm, cho dù khoản nợ đó có nhỏ đến mức nào.
Nếu đã quá hạn mà vẫn chưa được thanh toán thì phải có lý do. Lý do đó có thể chỉ đơn giản là thất lạc hóa đơn hay DN không có khả năng trả nợ và tìm cách tránh thanh toán. Rõ ràng chỉ những ai theo sát tình hình mới nhận được tiền.
Theo sát khoản nợ bằng cách gửi thư nhắc hay tốt nhất là gọi cho họ để xác nhận sẽ được thanh toán đúng hạn. Trong trường hợp khách hàng thanh toán trên tài khoản thì cần lập tức hoãn cấp tín dụng cho đến khi khoản nợ được thanh toán đầy đủ. Sau đó cần xác nhận đã nhận được tiền và yêu cầu thanh toán tiếp khoản còn lại. Tùy vào tình hình, bạn có thể thương lượng một phương án thanh toán riêng.
ThS. Nguyễn Thị Tiến