CÁC ĐẶC ĐIỂM QUYỀN LỰC CHÍNH TRỊ CỦA NHÀ LÃNH ĐẠO
Trong các tổ chức, các thành viên luôn quan tâm đến việc giành lấy, củng cố và tăng cường quyền lực của mình hoặc đơn vị mình, đó chính là các hoạt động mang tính chính trị. Mặc dù quyền lực chính trị được tạo ra từ các đặc điểm của quyền lực vị trí, song nó cũng thường được tạo ra bởi các quá trình hoạt động trong tổ chức như:
-Việc kiểm soát đối với quá trình ra quyết định;
-Việc liên minh;
-Việc kết nạp;
-Việc thể chế hóa
Việc kiểm soát đối với quá trình ra quyết định
Rất nhiều nỗ lực trong hoạt động của các thành viên trong các tổ chức là giành được, đạt đến việc ảnh hưởng đến quá trình ra quyết định. Đặc biệt là những quyết định quan trọng trong tổ chức như: Phân bổ các nguồn lực khan hiếm trong tổ chức, phát triển các chiến lược, chính sách hay các kế hoạch hoạt động. Giả sử, bạn chỉ là người lao động bình thường trong tổ chức song bạn có vị trí trong hội đồng xí nghiệp, bạn thường tham gia các cuộc họp trong đó quyết định những vấn đề lớn của xí nghiệp như chiến lược, chính sách hay việc bổ nhiệm các nhân vật chủ chốt trong các xí nghiệp và điều này thể hiện bạn đang có một quyền lực rất mạnh.
Các bộ phận trong tổ chức thường muốn ảnh hưởng đến các quyết định quan trọng trong tổ chức bằng việc cử các đại diện của mình vào các ủy ban hay các hội đồng nơi đề ra các quyết định quan trọng của tổ chức.
Việc đạt đến quyền lực thông qua việc kiểm soát đối với quá trình ra quyết định không nhất thiết là trực tiếp ảnh hưởng đến quá trình ra quyết định mà có thể gián tiếp thông qua việc thiết lập các thủ tục chính thức hoặc các tiêu chuẩn trong việc ra quyết định.
Liên minh
Một dạng phổ biến của hoạt động chính trị trong các tổ chức là việc hình thành các liên minh để ủng hộ hoặc chống lại một chương trình, một kế hoạch cụ thể nào đó. Trong liên minh, mỗi thành viên tham gia sẽ giúp đỡ lẫn nhau trong công việc đạt đến điều họ muốn. Ví dụ như trong một công ty, Trưởng phòng Marketing liên minh với Trưởng phòng nghiên cứu phát triển thuyết phục Ban giám đốc tạo cho họ có nhiều quyền hạn hơn trong việc thiết kế và tung sản phẩm mới vào thị trường. Khi những người lao động liên minh với nhau thì đề nghị của họ về cải thiện môi trường làm việc, hoàn thiện hệ thống phân phối thu nhập luôn là những tác động mà người lãnh đạo không thể lờ đi.
Việc hình thành liên minh không chỉ xảy ra giữa các thành viên trong tổ chức mà nó có thể được hình thành giữa các thành viên trong tổ chức với những người bên ngoài tổ chức ( như các nhà cung cấp, khách hàng hoặc các viên chức chính phủ ) trong việc ảnh hưởng đến các hoạt động của tổ chức.
Kết nạp
Khi một người được phép tham gia vào việc ra quyết định, người đó sẽ có nhiều quyền lực hơn, song điều này thành viên này trở nên tích cực hơn trong việc thực hiện quyết định đề ra. Như một nghịch lý, khi một người được phép tham gia vào việc ra quyết định, quyền lực của họ tăng lên song sự tuân thủ, phục tùng của họ đối với quyết định cũng tăng lên. Việc tạo điều kiện thu hút người lao động tham gia quản lý ở các mức độ khác nhau thể hiện sự kết nạp. Mục tiêu của việc kết nạp làm giảm sự chống đối, kháng cự của những bộ phận và các cá nhân khác nhau trong tổ chức với những kế hoạch hoặc chương trình hoạt động. Trong thực tiễn, thường có sự thay đổi thái độ thuận lợi khi một người được tham gia vào quá trình ra quyết định. Một người lao động bình thường ngang bướng hay cãi và hay phá bĩnh nhưng khi được tham gia vào ban lãnh đạo hay bộ phận nòng cốt của đơn vị thì người này hoạt động rất hữu hiệu và toàn bộ gai ngạnh trước đây mất hết.
Thể chế hóa
Mỗi tổ chức đều có điều lệ, quy chế, nội quy, các thủ tục chính thức quy định hành vi của các thành viên nhằm duy trì các hoạt động bảo đảm đạt đến các mục tiêu tổ chức. Đây là những quy định chính thức, nền tảng và có tính bắt buộc mọi người phải tuân thủ. Vì thế các cá nhân sẽ trở nên đầy quyền lực khi họ có quyền đề ra các quy định chính thức của tổ chức.
LÊ HOÀNG THIÊN TÂN