Các công cụ kiểm soát chất lượng
Lê Thị Kiều My
1. Phiếu kiểm tra
a. Khái niệm và tác dụng
Phiếu kiểm tra là một dạng biểu mẫu dùng thu thập và ghi chép dữ liệu một cách trực quan, nhất quán và tạo điều kiện thuận lợi cho việc phân tích.
Phiếu kiểm tra được sử dụng để thu thập dữ liệu một cách có hệ thống nhằm có được bức tranh rõ ràng về thực tế. Có thể sử dụng phiếu kiểm tra để:
- Kiểm tra lý do sản phẩm bị trả lại.
- Tìm nguyên nhân gây ra khuyết tật.
- Bảng kê trưng cầu ý kiến khách hàng.
b. Cách xây dựng
- Bước 1: Xác định dạng phiếu, xây dựng biểu mẫu để ghi chép dữ liệu, cung cấp các thông tin về: người kiểm tra, thời gian và cách thức kiểm tra, địa điểm kiểm tra.
Chú ý:
+ Hình thức phiếu kiểm tra đơn giản, dễ sử dụng.
+ Cách kiểm tra và mã số kiểm tra phải thống nhất.
+ Cách bố trí phải phản ánh trình tự quá trình và tuần tự công việc.
- Bước 2: Thử nghiệm biểu mẫu bằng việc thu thập và lưu trữ một số dữ liệu.
- Bước 3: Xem xét lại và sửa đổi biểu mẫu nếu thấy cần thiết..
2. Biểu đồ Pareto
Nhà kinh tế - xã hội học Vilfredo Pareto nhận thấy rằng 20% người Ý tập trung
80% tài sản của nước Ý. Khi áp dụng biểu đồ này để tìm hiểu những hiện tượng trong thương mại thì cũng nhận thấy rằng 20% mặt hàng thể hiện 80% doanh số,…Vì thế, hiện tượng này được xem như một định luật của tạo hóa và được gọi là định luật 20 –
80. Tuy nhiên, con số 20 -80 chỉ là tương đối chứ không phải một tỷ số chính xác.
Áp dụng nguyên tắc 80/20 của Pareto: 80% vấn đề trong công việc phát sinh từ
20% nguyên nhân chủ đạo. Trong quản lý chất lượng, cũng thường nhận thấy rằng:
- 80% thiệt hại về chất lượng do 20% nguyên nhân gây nên.
- 20% nguyên nhân gây nên 80% xảy ra tình trạng không có chất lượng.
a. Khái niệm và tác dụng
Biểu đồ Pareto là một dạng biểu đồ hình cột được sắp xếp từ cao xuống thấp. Mỗi cột đại diện cho một cá thể (1 dạng trục trặc hay một nguyên nhân gây trục trặc), chiều cao mỗi cột biểu thị mức đóng góp tương đối của mỗi cá thể vào kết quả chung. Đường tần số tích luỹ được sử dụng để biểu thị sự đóng góp tích luỹ của các cá thể.
- Cho thấy sự đóng góp của mỗi cá thể đến hiệu quả chung theo thứ tự quan trọng, giúp phát hiện cá thể quan trọng nhất.
- Xác định thứ tự ưu tiên cho việc cải tiến.
b. Cách xây dựng
- Bước 1: Xác định cách phân loại và thu nhập dữ liệu
- Bước 2: Thu thập dữ liệu
- Bước 3: Sắp xếp dữ liệu theo số lượng từ lớn nhất đến nhỏ nhất
- Bước 4: Tính tần số tích luỹ
- Bước 5: Vẽ biểu đồ Pareto
Kẻ 2 trục tung, một ở đầu và một ở cuối trục hoành. Thang bên trái được định cỡ theo đơn vị đo, chiều cao của nó phải bằng tổng số độ lớn của tất cả các cá thể. Thang bên phải có cùng chiều cao và được tính cỡ từ 0 → 100%. Trên mỗi cá thể vẽ một cột có chiều cao biểu thị lượng đơn vị đo cho cá thể đó. Lập đường tần số tích luỹ.
- Bước 6: Xác định các cá thể quan trọng nhất để cải tiến chất lượng.
3.Biểu đồ kiểm soát
a. Khái niệm:
Biểu đồ kiểm soát là biểu đồ có một đường tâm để chỉ giá trị trung bình của quá trình và Hai đường song song trên và dưới đường tâm biểu hiện giới hạn kiểm soát trên và giới hạn kiểm soát dưới của quá trình được xác định theo thống kê. Biểu đồ kiểm soát là công cụ để phân biệt các biến động do các nguyên nhân đặc biệt cần được nhận biết, điều tra và kiểm soát gây ra với những thay đổi ngẫu nhiên vốn có của quá trình
Biểu đồ kiểm soát cho thấy sự biến động của quá trình sản xuất hoặc tác nghiệp trong suốt một chu kỳ thời gian nhất định. Do đó nó được sử dụng để:
- Dự đoán, đánh giá dự ổn định của quá trình
- Kiểm soát, xác định khi nào cần điều chỉnh quá trình
- Xác định một sự cải tiến của một quá trình.
b. Phân loại
Biểu đồ kiểm soát có 2 loại: Một dùng cho giá trị liên tục, và loại kia dùng cho giá trị rời rạc.
c. Các bước xây dựng biểu đồ kiểm soát
- Bước 1: Thu thập dữ liệu
- Bước 2: Tìm các giới hạn kiểm soát
+ Tính đường giá trị trung bình
+ Đường giới hạn kiểm soát trên UCL
+ Đường giới hạn kiểm soát dưới LCL
- Bước 3: Vẽ các điểm trên đồ thị.
- Bước 4: Phân tích biểu đồ.
4. Biểu đồ phân bố tần số
a.Khái niệm
Biểu đồ phân bố tần số dùng để đo tần số xuất hiện một vấn đề nào đó, cho ta thấy rõ hình ảnh sự thay đổi, biến động của một tập dữ liệu
b.Tác dụng
- Trình bày kiểu biến động
- Thông tin trực quan về cách thức diễn biến của quá trình . Tạo hình dạng đặc trưng “ nhìn thấy được” từ những con số tưởng chừng vô nghĩa, giúp hiểu rõ sự biến động cố hữu của quá trình.
- Kiểm tra và đánh giá khả năng của các yếu tố đầu vào.
- Kiểm soát quá trình, phát hiện sai sót.
5. Biểu đồ nhân quả (Biểu đồ xương cá)
a. Khái niệm
Biểu đồ nhân quả cho biết mối quan hệ giữa kết quả thu được với nguyên nhân ảnh hưởng tới kết quả đó.
b. Tác dụng
- Liệt kê và phân tích các mối liên hệ nhân quả, đặc biệt là những nguyên nhân làm cho quá trình biến động vượt ra ngoài giới hạn quy định trong tiêu chuẩn hoặc qui
trình.
- Giải quyết vấn đề từ triệu chứng, nguyên nhân, giải pháp. Định rõ nguyên nhân cần xử lý trước sau → Duy trì sự ổn định của quá trình, cải tiến quá trình.
- Có tác dụng tích cực trong việc đào tạo, huấn luyện các nhân viên kỹ thuật và kiểm tra.
c. Các bước xây dựng biểu đồ nhân quả
-Bước 1: Xác định vấn đề cần giải quyết và xem vấn đề đó là hệ quả của một số nguyên nhân sẽ phải xác định.
-Bước 2: Lập danh sách tất cả những nguyên nhân chính của vấn đề trên bằng cách đặt các câu hỏi 5W và 1H. Sau đó, trình bày chúng bằng những mũi tên chính.
-Bước 3: Tiếp tục suy nghĩ những nguyên nhân cụ thể hơn (nguyên nhân cấp 1) có thể gây ra nguyên nhân chính, được thể hiện bằng những mũi tên hướng vào nguyên nhân chính.
-Bước 4: Nếu cần phân tích sâu hơn thì nên xem mỗi nguyên nhân mới như là hệ quả của những loại nguyên nhân khác nhỏ hơn (bằng cách lặp lại bước 3).
6. Biểu đồ phân tán
a. Khái niệm
Biểu đồ phân tán là một kỹ thuật đồ thị để nghiên cứu mối quan hệ giữa 2 bộ số liệu liên hệ xảy ra theo cặp. Biểu đồ phân tán trình bày các cặp như là một đám mây điểm . Mối quan hệ giữa các bộ số liệu liên hệ được suy ra từ hình dạng của các đám mây đó.
b. Tác dụng
Phát hiện và trình bày các mối quan hệ giữa 2 bộ số liệu có liên hệ và xác nhận các mối quan hệ đoán trước giữa 2 bộ số liệu có liên hệ.
c. Các bước xây dựng biểu đồ phân tán
- Bước 1 : Chọn số liệu theo từng cặp (x, y) từ hai bộ số liệu có liên hệ mà ta cần nghiên cứu mối quan hệ của chúng. Nên có khoảng 30 cặp hoặc hơn.
- Bước 2 : Ghi tên trục x, y
- Bước 3 : Tìm giá trị lớn nhất và nhỏ nhất của x, y dùng giá trị này để khắc vạch trục hoành x và trục tung y.
- Bước 4 : Đánh dấu các cặp số liệu (x, y) trên biểu đồ.
- Bước 5 : Kiểm tra hình dạng của đám mây để phát hiện ra loại và mức độ của các mối quan hệ đó.
7. Đồ thị
Có nhiều loại đồ thị được sử dụng tùy thuộc vào hình dạng mong muốn và mục đích phân tích. Đồ thị dạng cột dùng để so sánh giá trị bằng các cột song song , còn đồ thị dạng đường dùng để minh họa sự biến động trong một khoảng thời gian. Đồ thị hình tròn để biểu thị sự phân hoạch các giá trị, và đồ thị dạng tia giúp cho việc phân tích các đối tượng đã được đánh giá trước đây.