0236.3650403 (221)

CÁC CẤP QUẢN TRỊ CHIẾN LƯỢC TRONG CÔNG TY


Hầu hết các công ty hiện đại đều có hai kiểu quản trị, đó là quản trị chiến lược (general manage) và quản trị tác nghiệp (operations manage). Cụ thể:

            Quản trị chiến lược chịu trách nhiệm về hiệu suất chung của toàn công ty hay của những người đứng đầu các bộ phận chính trong công ty. Sự quan tâm tối thượng của loại quản trị này là tạo ra sức mạnh của toàn bộ công ty, tập trung vào định hướng toàn bộ công ty trên phương diện chiến lược. Còn quản trị điều hành chịu trách nhiệm về các chức năng kinh doanh hay các hoạt động cụ thể, như quản trị nguồn nhân lực, mua sắm, sản xuất, marketing, kế toán,…Vị trí quyền lực của quản trị điều hành thường liên quan đến một hoạt động cụ thể nào đó trong công ty.

            Nhìn chung, với các công ty có nhiều hoạt động kinh doanh sẽ có 3 cấp quản trị: cấp công ty, cấp đơn vị kinh doanh và cấp chức năng (Hình 1.3). Kiểu quản trị chiến lược thường ở hai cấp đầu, nhưng vai trò chiến lược rất khác nhau phụ thuộc vào phạm vi trách nhiệm. Còn kiểu quản trị điều hành thường ở cấp thứ ba, đây là kiểu quản trị không có tính chiến lược.

1/ Quản trị cấp công ty

            Quản trị cấp công ty bao gồm tổng giám đốc (Chief Executive Officer – CEO) và các nhà quản trị cấp cao khác, ban giám đốc và các nhân sự cấp công ty. Các cá nhân này đứng đầu trong việc đưa ra các quyết định của công ty. Tổng giám đốc là nhà quản trị chiến lược chính ở cấp này.

            Bên cạnh việc tham khảo ý kiến của các cán bộ cấp cao khác, tổng giám đốc có vai trò giám sát sự phát triển của chiến lược trong toàn công ty. Vai trò này bao gồm việc xác định sứ mệnh và các mục tiêu của công ty, xác định công ty gồm các đơn vị kinh doanh nào, phân bổ các nguồn lực cho mỗi đơn vị kinh doanh, xây dựng và chỉ đạo thực hiện chiến lược phát triển của từng đơn vị kinh doanh. Cùng với tổng giám đốc, các nhà quản trị khác thuộc cấp công ty còn đảm bảo rằng các chiến lược công ty theo đuổi phù hợp với việc cực đại hóa giá trị của các cổ đông.    

2/ Quản trị cấp đơn vị kinh doanh

         Một đơn vị kinh doanh là một thực thể tổ chức hoạt động trong một lĩnh vực phân biệt, độc lập, có các bộ phận chức năng riêng.

         Trong một công ty đa ngành, cấp đơn vị kinh doanh bao gồm trưởng các đơn vị kinh doanh và nhân sự thuộc các đơn vị này. Với công ty đơn ngành, cấp đơn vị kinh doanh và cấp công ty sẽ trùng nhau.

           Các nhà quản trị chiến lược chính ở cấp đơn vị kinh doanh là trưởng đơn vị. Vai trò của họ là chuyển các tuyên bố chung về định hướng từ các nhà quản trị cấp công ty vào chiến lược cụ thể của từng đơn vị kinh doanh. Như vậy, trong khi các nhà quản trị cấp công ty liên quan đến chiến lược phát triển các bộ phận kinh doanh, thì các nhà quản trị cấp đơn vị kinh doanh lại tập trung vào chiến lược của một đơn vị kinh doanh nhất định.

3/ Quản trị cấp chức năng

         Các nhà quản trị cấp chức năng chịu trách nhiệm cho các hoạt động chức năng cụ thể trong một đơn vị kinh doanh, như nhân sự, vận hành, marketing, R&D,… Trách nhiệm của những nhà quản trị ở cấp này là thực thi các hoạt động liên quan đến chức năng mà họ đảm nhận nhằm thỏa mãn mục tiêu chiến lược mà các nhà quản trị cấp đơn vị kinh doanh và cấp công ty đặt ra. Nhờ vào lợi thế gần khách hàng, các nhà quản trị chức năng có thể cung cấp hầu hết các thông tin và đề xuất các ý tưởng chiến lược quan trọng cho các nhà quản trị cấp đơn vị kinh doanh và cấp công ty mà cuối cùng có thể là nền tảng và khởi nguồn cho chiến lược chính của công ty.

         Như vậy, điều quan trọng đối với các nhà quản trị cấp công ty và cấp đơn vị kinh doanh là lắng nghe ý tưởng của các nhà quản trị cấp chức năng. Trách nhiệm quan trọng nhất của các nhà quản trị cấp chức năng là thực thi chiến lược _ thực thi các quyết định của cấp đơn vị kinh doanh và cấp công ty. 

(ThS. Đặng Thanh Dũng – Khoa QTKD)