BƯỚC CHUẨN BỊ CHO VIỆC THUYẾT TRÌNH
Cho dù bạn là người thành thạo và thường xuyên phải thuyết trình đi chăng nữa thì việc bớt chút ít thời gian sẽ giúp bài thuyết trình của bản thân thêm phần hoàn hảo.
1. Xác định rõ mục tiêu của bài thuyết trình:
Đây là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình bạn trình bày. Nó giúp thính giả không bị sa đà và lạc lối trong một mê hồn trận các ý tưởng nảy sinh ngẫu nhiên không liên quan hoặc ít liên quan mật thiết đến cái đích chính mà diễn giả phải nhắm tới.
Trong quá trình nói trước đám đông, đôi lúc có thể vì say sưa, một số diễn giả thường bị lôi cuốn đi lệch khỏi dòng chủ đạo, tới mức khó mà lần ra đầu mối trở lại điểm chính. Điều này dẫn đến những “khoảng thới gian chết đứng” tai hại có thể làm hỏng bài nói. Để ngăn chặn tình huống đó xảy ra, cần bám chắc chủ điểm, luôn luôn nhìn thấy mũi tên hướng đích, tránh triển khai ý kiến theo ngẫu hứng.
2. Hãy viết ra giấy những nội dung chính
Đây là một bản đề cương vắn tắt để dẫn dắt các bước trình bày. Một số nhà diễn thuyết sắc sảo thậm chí còn viết nguyên văn bài nói của mình, tuy nhiên không đọc lên nguyên bản những trang đã chuẩn bị sẵn. Những ai mới bắt đầu vào cuộc nên bắt chước cách làm này trước khi đạt được trình độ ứng khẩu lưu loát.
Ngạn ngữ Pháp có câu “Chỉ có rèn nhiều mới trở thành thợ rèn” áp dụng thích hợp cho mọi trường hợp. Tất cả mọi bản lĩnh nghề nghiệp đều đòi hỏi lao động cật lực, rèn luyện công phu.
Không nên quên nhấn mạnh cốt lõi của chủ đề cần trình bày và làm nổi bật những điều quan trọng mà bạn muốn chuyển tải tới người nghe. Bài nói của bạn phải chứa đựng những thông tin mới và nhất là những ý tưởng độc đáo về chủ đề. Thông tin mới mẻ và ý tưởng độc đáo là những chất tăng hương vị cho món ăn bạn đãi khách. Không có những thứ này, bài phát biểu của bạn có thể rơi vào trạng thái tầm thường, tẻ nhạt, chung chung, vô bổ.
Như vậy, lao động cần cù, suy nghĩ nghiêm túc, chuẩn bị chu đáo, sáng tạo và khai phá là yêu cầu cần thiết đối với mỗi người muốn trở thành nhà hùng biện.
Sái Thị Lệ Thủy - Khoa QTKD