BÀN VỀ LUẬT PHÁ SẢN NGÂN HÀNG TRONG THÔNG TƯ 07/2013/TT-NHNN
Cụm từ “phá sản” đã chính thức được đưa vào trong thông tư 07/2013/TT-NHNN vừa được ban hành, có hiệu lực từ 27/4/2013. Đây là một đòi hỏi tất yếu, phù hợp với quy luật phát triển của thị trường. Tất nhiên, phá sản theo cách nào để đảm bảo hài hòa lợi ích cũng là vấn đề cần được tính toán thận trọng.
Ngân hàng Nhà nước đã chấp nhận đưa thêm cụm từ “phá sản” vào Thông tư về xử lý ngân hàng yếu kém, trái với lời khẳng định trước đó không lâu là “sẽ không để ngân hàng nào đổ vỡ”. Dù muốn, dù không thì tuyên bố để NH phá sản được đưa ra lúc này cũng là điều hợp lý và hết sức cần thiết, xoá bỏ tâm lý “ỷ lại” của nhiều TCTD vào sự cứu giúp của Nhà nước. Điều này sẽ thúc đẩy lộ trình tái cơ cấu nhanh hơn vì bản thân từng NH sẽ phải nỗ lực nhiều hơn để tránh rơi vào tinh trạng bị buộc phá sản – đồng nghĩa với mất trắng.
Nhưng vấn đề nằm ở chỗ,Phá sản một ngân hàng thường không đơn giản. Bởi điều khác biệt lớn nhất giữa một ngân hàng và doanh nghiệp phi tài chính là hệ thống người gửi tiền và sự liên hệ chặt chẽ giữa các ngân hàng với nhau. Bên cạnh đó, việc đổ vỡ một ngân hàng lại gây ra đổ vỡ đối với ngân hàng hoặc định chế tài chính khác và việc rút tiền hàng loạt sẽ khiến tình hình leo thang, trở thành khủng hoảng hệ thống, hệ thống thanh toán bị trật ray, tác động tiêu cực đối với cả nền kinh tế. Kinh nghiệm trên thế giới cho thấy, đổ vỡ ngân hàng có thể dẫn đến thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ, gây ra suy thoái và cũng có thể làm giảm nguồn cung các khoản cho vay của ngân hàng, đặc biệt bất lợi đối với nguồn tài trợ của các DN nhỏ và vừa.
Mặc dù Ngân hàng Nhà nước và từng TCTD đã có những nỗ lực lớn trong việc tái cơ cấu hệ thống nhưng trước tình hình phức tạp của hệ thống tài chính, Luật Phá sản sửa đổi được kỳ vọng sẽ hiện thực hóa quá trình phá sản các TCTD yếu kém, giảm áp lực đối với nền kinh tế và xã hội. Bài học về phá sản ngân hàng trên thế giới đã chỉ rõ, hành động sớm có tầm quan trọng cốt yếu: tài sản tài chính có thể bị tẩu tán một cách kín đáo, nhanh chóng và vì thế, các cơ quan quản lý ngân hàng cần có khả năng can thiệp nhanh chóng để ngăn chặn tổn thất của người gửi tiền.
Lê Phúc Minh Chuyên